Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện hiệu quả QCDC, trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy xây dựng, ban hành các văn bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Trung ương; tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy theo hướng gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân. Hàng năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC các cấp trong tỉnh tham mưu cho cấp ủy đảng kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong BCĐ, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, QCDC ở cơ sở thực sự đi vào đời sống, nâng cao năng lực điều hành của lãnh đạo các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Điển hình việc thực hiện quy định đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân theo Quyết định 819-QĐ/TU ngày 8/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc, tạo không khí dân chủ công khai. Các cơ quan tham mưu tập trung nghiên cứu, chủ động xây dựng nội dung, chương trình đối thoại theo định kỳ, đưa vào chương trình công tác hàng năm để tổ chức thực hiện.
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh tổ chức hơn 1.000 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp với hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nội dung đối thoại là những vấn đề có nhiều tác động đến đời sống xã hội như: quản lý tài chính, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng, xây dựng Đảng, chính quyền, chế độ chính sách đối với người có công, luân chuyển cán bộ, giải quyết đất xen kẹp... Nhiều phản ánh kiến nghị của nhân dân được giải quyết ngay tại hội nghị, đối với những nội dung cần thời gian để giải quyết người chủ trì giao cho các cơ quan, ban, ngành có liên quan nghiên cứu trả lời nhân dân theo quy định, đồng thời kiểm tra kết quả xử lý kiến nghị của nhân dân làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, công việc được giao của cán bộ các cấp.
Việc thực hiện QCDC được các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, mức thu các loại quỹ,… được thông tin rộng rãi đến người dân. Các xã, thị trấn phát huy vai trò nhân dân trong việc bàn, tham gia ý kiến và quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân như: Mức hỗ trợ đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, bình chọn các đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội, xây dựng hương ước,... Những công dân tiêu biểu tham gia làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương. Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, huy động nội lực sức dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Điển hình trong năm 2016, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong tỉnh tự nguyện hiến hơn 20.000 m2 đất và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động làm đường giao thông và các công trình văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn đạt huyện nông thôn mới.
Việc thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính Phủ được triển khai nghiêm túc. Các cơ quan, đơn vị tiến hành thực hiện cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc; công khai, minh bạch và lấy ý kiến đóng góp của công chức, viên chức vào kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, chế độ chính sách, thu - chi ngân sách,… góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Các doanh nghiệp tổ chức đối thoại nơi làm việc, tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể theo đúng tinh thần Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở đi vào đời sống, phát huy được tiềm năng, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh.
Nguồn: baobacninh.com.vn, ngày 24/02/2017