Thứ Bảy, 20/4/2024
Thái Bình nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
 

Nhân dân xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải tham gia làm đường giao thông.
 Ảnh: Mạnh Thắng
 


“Điểm tựa” trong xây dựng nông thôn mới

Theo chân Trưởng thôn Bắc, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải Nguyễn Đức Hạnh, chúng tôi ghé thăm hội trường nhà văn hóa thôn. Bên trong hội trường trang thiết bị đầy đủ, sức chứa gần hai trăm người; khoảng sân trước mặt rộng hơn hai trăm m², thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động ngoài trời. Bác Hạnh vui vẻ cho biết, nông thôn nhìn đơn giản thế thôi nhưng bà con có nhiều hoạt động lắm, như họp thôn, xóm, văn nghệ, thể thao, đám cưới...Trước đây khó khăn về địa điểm, nhưng từ khi có nhà văn hóa, các hoạt động diễn ra liên tục, ai nấy đều phấn khởi... Qua tham quan, chúng tôi thấy không chỉ thôn Bắc, sáu thôn trong xã đều có nhà văn hóa, điều đặc biệt là tất cả đều do nhân dân tự nguyện đóng góp; từ hiến đất đến kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị... Bí thư Đảng ủy xã Tây Giang Tạ Văn Tình, nhận định, đây là thành quả khi mà QCDCCS được phát huy. Xã Tây Giang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2013 đã về đích. Một trong những “bí quyết” của xã là thực hiện triệt để nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư cũng là một trong tám xã nghèo của huyện. Khi xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định QCDCCS là điểm tựa trong huy động sức dân. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đỗ Hữu Khiêm, tâm sự: Ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã đã xác định phải thực hiện dồn điền, đổi thửa, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các quy hoạch về vùng sản xuất, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, cơ sở hạ tầng, khu dân cư tại địa phương. Đây là những việc khó liên quan trực tiếp quyền lợi người dân, do đó, xã áp dụng nghiêm túc các quy định về QCDCCS. Mọi quy hoạch đều được niêm yết công khai, người dân có quyền tham gia và có nghĩa vụ thực hiện... Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gắn với bảo đảm công khai, dân chủ mà người dân luôn đồng thuận, tự giác thực hiện. Nhiều người sẵn sàng hiến đất, hiến ngày công, đóng góp tiền của làm các công trình phúc lợi, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Phát huy dân chủ, bàn bạc trong nhân dân cũng giúp xã lựa chọn đúng các hạng mục ưu tiên để đầu tư, không dàn trải, tránh lãng phí, rút ngắn thời gian về đích nông thôn mới một năm so với dự kiến.

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Xuân Nghi, trong những năm từ 1997 đến 1999, tỉnh Thái Bình liên tục xảy ra khiếu kiện đông người, thậm chí căng thẳng. Sau 18 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đến nay QCDCCS đã phát huy hiệu quả. Thể hiện rõ nét nhất trong việc huy động đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến 2015, tổng vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình khoảng tám nghìn tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 4.460 tỷ đồng, tự nguyện hiến đất gần 2.000 ha; nguồn từ xã hội hóa là 685 tỷ đồng. Thái Bình hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng thực hiện

Có được kết quả đó là nhờ Tỉnh ủy Thái Bình luôn chú trọng lãnh đạo thực hiện QCDCCS. Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện. Tháng 3-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về “tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Đây chính là cơ sở để các cấp ủy, chính quyền phát huy những cách làm sáng tạo trong thực hiện. Trong việc thông tin đến người dân nội dung quy chế, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư đã niêm yết công khai tại nhà văn hóa các thôn; xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy phát trên hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, tổ ngày hai lần; còn xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương tổ chức tuyên truyền vào các ngày truyền thống, ngày hội đại đoàn kết toàn dân...

Việc thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp được thực hiện nghiêm túc. Hầu hết các thôn, tổ dân phố thực hiện quy trình trưởng thôn, tổ trưởng dân phố xây dựng kế hoạch, phương pháp tổ chức thực hiện báo cáo ban chi ủy; ban chi ủy đưa ra chi bộ lấy ý kiến và thống nhất thành nghị quyết. Sau đó, lại đưa ra hội nghị họp thôn, tổ dân phố và phát phiếu lấy ý kiến nhân dân. Nhiều xã, phường đã tổ chức các cuộc họp để nhân dân thảo luận và tham gia ý kiến đối với những việc khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp quyền lợi của nhân dân, đòi hỏi sự dân chủ trong bàn bạc và đạt được thống nhất cao. Xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ tổ chức phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân trong bình xét hộ nghèo. Xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy tổ chức họp dân, bàn và quyết định mức đóng góp quỹ khuyến học, quỹ vệ sinh môi trường. Xã Tây Giang, huyện Tiền Hải có sáng kiến ngoài thông báo trên loa phóng thanh xã, còn phát giấy mời đến từng hộ, người dân thấy được tôn trọng cho nên số lượng dự họp luôn đạt hơn 90%.

Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân cũng được đổi mới. Phường Phú Khánh, TP Thái Bình khi triển khai giải phóng mặt bằng, có nhiều khiếu nại của nhân dân. Để giải quyết dứt điểm, Đảng ủy phường chỉ đạo quyết liệt việc họp dân, lấy ý kiến nhân dân, tăng cường đối thoại với dân để giải đáp thắc mắc. Trong năm 2016, phường tổ chức hơn mười cuộc họp dân với tỷ lệ nhân dân tham gia đạt 90%. Cùng với đó, phường thực hiện 11 cuộc giám sát các công trình xây dựng việc tăng cường đối thoại với nhân dân cũng đã giúp xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ hòa giải thành công 80% số vụ việc vướng mắc ngay từ cơ sở.

Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện QCDCCS ở một số cấp ủy, địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn còn tình trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa thường xuyên, việc triển khai một số nơi còn hình thức, vẫn còn biểu hiện vi phạm dân chủ. Huyện Tiền Hải, có 23 trong 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tổng mức huy động nguồn lực rất lớn, không có khiếu kiện, nhưng vẫn còn một số nơi, điểm làm sai quy định. Thí dụ như xi-măng dùng làm mương thủy lợi thì đưa ra làm đường, hoặc có nơi đổi xi-măng lấy cát, sỏi trái quy định… Ở khu vực cơ quan, đơn vị, việc thực hiện QCDCCS gắn với cải cách hành chính và đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức một số nơi chậm; vẫn còn cán bộ quan liêu, gây phiền hà cho nhân dân...

Bởi vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện QCDCCS, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Bình cần đẩy mạnh việc thực hiện gắn với thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là việc đóng góp, nhận xét của nhân dân đối với lề lối, tác phong, thái độ của cán bộ, đảng viên… Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện. Có như vậy, chất lượng thực hiện QCDCCS mới thật sự được nâng cao.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 18/02/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất