Thứ Ba, 26/11/2024
Yên Bái: Vai trò của công đoàn trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
 
 Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái
làm tốt chức năng chăm lo đời sống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Quy định về dân chủ cơ sở trong Hiến pháp và pháp luật là nhằm bảo đảm cho người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình ở nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Khi mọi người dân đều được tham gia vào các quá trình, trên tất cả các khâu, từ hoạch định đường lối đến triển khai, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra và tổng kết… thì các vấn đề nảy sinh sẽ được phát hiện kịp thời, các khó khăn sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, của địa phương, của cơ quan, đơn vị.

Thực tiễn cho thấy, nhiều tổ chức công đoàn trong các cơ quan, đơn vị  và bản thân đoàn viên công đoàn chưa thể hiện được đúng vai trò của mình, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của tổ chức mình cũng như quyền lợi khi mình được đứng trong một tổ chức chính trị xã hội quan trọng.

Chị Trần Thị Trang - Công ty Doanh Mùi ở Trấn Yên kể lại: “Khi chủ doanh nghiệp có chủ trương thành lập tổ chức công đoàn, đại bộ phận anh em công nhân trong Công ty chỉ coi đó là việc của ông bà chủ; ai làm cán bộ công đoàn không quan trọng và công đoàn làm những gì cũng không cần biết. Họ chỉ quan tâm đến việc làm và thu nhập với hai yếu tố, đủ ngày giờ và chất lượng sản phẩm bảo đảm là lĩnh lương rồi ra về".

"Công đoàn chỉ duy nhất nhiệm vụ đi thăm người ốm, đi việc hiếu, việc hỷ! Thời gian qua đi, tổ chức công đoàn đã dần thể hiện được vai trò của mình khi đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, tăng cường điện chiếu sáng, quạt mát... đặc biệt là tham gia bàn bạc với chủ doanh nghiệp trong việc định mức khoán sản phẩm; kiến nghị khen thưởng, đưa ra hình thức xử phạt khi vi phạm nội quy, quy chế, nhất là vi phạm quy trình sản xuất gây hư hỏng sản phẩm... Khi ấy vai trò của tổ chức công đoàn mới được thể hiện, người lao động mới thấy được vai trò của công đoàn và trách nhiệm của lãnh đạo công đoàn”. Chị Trang nói.

Điều dưỡng Nguyễn Thúy Hằng - Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 tại thành phố Yên Bái cho biết: “Có tổ chức công đoàn, cán bộ, nhân viên trong bệnh viện mới có nơi để trao đổi, để đề xuất những ý kiến của mình, từ điều kiện làm việc, lương, thưởng, chế độ nghỉ ngơi đến quy chế khen thưởng, kỷ luật... Thỏa ước lao động là sản phẩm của chung, mọi người bình đẳng thực hiện; thỏa ước lao động chắc chắn không thể chỉ là ý thức chủ quan của nhà đầu tư, của chủ doanh nghiệp đem ra áp đặt”.

Hai câu chuyện kể trên đánh giá đúng thực trạng của tổ chức công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay. Ở đâu công đoàn mạnh thì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động được bảo đảm, dân chủ được phát huy; ngược lại, nơi nào không có tổ chức công đoàn hoặc có chỉ để cho có thì nơi đó sẽ thiếu dân chủ, khó có đoàn kết và thiếu sự minh bạch. 

Để thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, với vai trò là tổ chức đại diện cho người lao động thì tổ chức công đoàn phải tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến với chính quyền về chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng phải tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên của mình chấp hành đầy đủ chính sách pháp luật, chấp hành nội, quy chế của cơ quan đơn vị, hưởng ứng những phong trào do công đoàn cấp trên phát động.

Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

Khi kiểm tra, công đoàn yêu cầu thủ trưởng cơ quan đơn vị, tổ chức trả lời những vấn đề đặt ra, kiến nghị biện pháp sửa chữa các thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm pháp luật. Đó là những vấn đề mang tính cốt lõi, thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Cô giáo Đỗ Thị Hoa, cán bộ Công đoàn Trường Mầm non Cường Thịnh, huyện Trấn Yên cho rằng: “Mỗi cá nhân phải hiểu đúng dân chủ là gì và không để hiện tượng dân chủ quá đà diễn ra; cấp ủy, chính quyền phải tạo ra bầu không khí dân chủ trong cơ quan, đơn vị, từ đó mỗi người đều có trách nhiệm đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ”.

Hiểu đúng chính sách, pháp luật, nắm được tâm tư nguyện vọng của người lao động, phát huy tinh thần dân chủ nhằm tạo ra phong trào thi đua đóng góp tích cực cho sự phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động đã và đang là điều bắt buộc mà tổ chức công đoàn hướng tới.

Nguồn: baoyenbai.com.vn, ngày 07/4/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi