Chiều 13/7, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tỉnh Quảng Ninh chủ trì Hội nghị sơ kết thực hiện QCDC ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2017, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
6 tháng đầu năm, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, triển khai có hiệu quả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp thường xuyên kiện toàn, bổ sung, xây dựng, sửa đổi quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân có nhiều tiến bộ. Kết quả thực hiện QCDC ở các loại hình tiếp tục có sự chuyển biến. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nội quy, quy chế, quy định.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đồng chí trong Ban chỉ đạo, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng, giải quyết thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; các giải pháp cải thiện chỉ số PAPI, ưu tiên điểm, vùng, miền; triển khai Đề án 196 về nhiệm vụ và giải pháp đưa 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn để hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; chuẩn bị các điều kiện đối với các sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức ở Quảng Ninh như: Năm du lịch Quốc gia 2018, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 (ATF 2019).
Đồng chí lưu ý các ngành thành viên cần đổi mới công tác tuyên truyền đảm bảo thực chất và hiệu quả; quan tâm nắm bắt tình hình tư tưởng của người dân và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện.
Đối với Đề án 196, rà soát lao động nông thôn, kết nối với doanh nghiệp để đào tạo, đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ thực hiện.
Liên quan đến môi trường du lịch, cần quản lý chuyên nghiệp hóa đối với nhóm phương tiện vận chuyển; chấn chỉnh những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch./.
Nguồn: quangninh.gov.vn, ngày 13/7/2017