Thứ Tư, 1/5/2024
Quy chế dân chủ cơ sở - Đòn bẩy phát triển doanh nghiệp
 
Công đoàn viên bỏ phiếu bầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở Công ty TNHH Shang ta,
Khu công nghiệp Chơn Thành - Ảnh: K.B


THỰC HIỆN QCDC TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.250 doanh nghiệp (DN), đơn vị kinh tế đang hoạt động, với số lao động khoảng 103.224 người. Trong đó, DN nhà nước 17 đơn vị với 29.800 lao động; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 88 đơn vị với 37.700 lao động; DN dân doanh 2.145 đơn vị với khoảng 35.724 lao động. Tính đến tháng 10-2016, toàn tỉnh có 472/512 DN thành lập được tổ chức công đoàn và đã tổ chức xong hội nghị người lao động, đạt 92,2%. Thời gian qua đã có hơn 25% DN tổ chức đối thoại đột xuất với người lao động (45 DN), 214 DN xây dựng được QCDC cơ sở và 183 DN đang xây dựng QCDC cơ sở.

Từ thực tế cho thấy, các buổi đối thoại tại DN thường tập trung nội dung: Việc thực hiện giao kết hợp đồng lao động, tiền lương, nâng lương, tiền trả cho những ngày không nghỉ hết phép năm do lý do khách quan, điều kiện làm việc và thời giờ nghỉ ngơi. Đối với DN tư nhân, DN FDI, các hợp tác xã, hộ gia đình, trong năm 2016 có 13% DN ký thỏa ước lao động tập thể. Ở các công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh, Bình Long, Phú Riềng và Công ty cổ phần cao su Đồng Phú, đã thành lập ban đại diện người lao động (7 người) tham gia đối thoại định kỳ do hội nghị người lao động bầu ra.

Điều đáng khích lệ là nhiều năm qua, tổ chức công đoàn trong các DN đã thực hiện tốt chức năng đại diện, chỗ dựa không thể thiếu của công nhân lao động trong việc ký kết thỏa ước lao động. Đồng thời, nhiều DN đã thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại trực tiếp tại đơn vị cơ sở trực thuộc để lắng nghe ý kiến của công nhân lao động trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn. Giám đốc và công nhân lao động cùng hướng đến mục tiêu vì sự phát triển của DN. Nhiều DN đã thực hiện khá đầy đủ các nội dung người sử dụng lao động phải công khai cho người lao động biết, nội dung họ được tham gia ý kiến, được quyết và được giám sát, kiểm tra. Từ đó, việc thực hiện QCDC ở DN có sự chuyển biến đồng bộ, góp phần quan trọng xây dựng đoàn kết nội bộ DN, tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh của đơn vị phát triển nhanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và đời sống của người lao động tiếp tục được cải thiện, không ngừng nâng cao.

NHỮNG HẠN CHẾ CẦN SỚM KHẮC PHỤC

Việc triển khai thực hiện QCDC trong các loại hình DN ở Bình Phước đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Không chỉ có người lao động mà ngay cả người sử dụng lao động cũng đã thấy rõ lợi ích của việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Đó là quyền lợi của người lao động được bảo đảm, đồng thời người lao động cũng sẵn sàng sẻ chia khó khăn trong từng thời điểm của người sử dụng lao động, từ đó đồng thuận với chủ DN về kế hoạch sản xuất,... Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, nhiều cơ sở sản xuất, DN đã bộc lộ rõ không ít hạn chế, tồn tại cần sớm có giải pháp khắc phục. Cụ thể là hầu hết các thành viên ban chỉ đạo, cán bộ làm công tác QCDC ở cơ sở thường xuyên thay đổi. Đây là hệ lụy của tình trạng người lao động trong các DN thường hay chạy việc. Thực tế cho thấy, không ít người lao động có tay nghề vững, có năng lực, kinh nghiệm thường bỏ việc để sang làm cho nơi khác có thu nhập cao hơn.

Tiếp đó là một số chủ DN trong công ty cổ phần, công ty TNHH MTV vốn tư nhân chưa triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Việc thực hiện QCDC cơ sở tại nơi làm việc hiện nay còn nhiều hạn chế; chất lượng tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc của DN cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể là việc tổ chức hội nghị người lao động, bầu thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; có nơi tuy đã bầu được ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở, nhưng trong ban chỉ đạo lại có nhiều thành viên thường chỉ tập trung cho công việc chuyên môn và giao khoán công việc này cho bộ phận thường trực. Có nơi người đứng đầu DN chưa thực sự nêu cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc tổ chức thực hiện QCDC ở DN.

Hạn chế nữa là các tiêu chí đánh giá, xếp loại việc xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở hằng năm còn nhiều điểm chưa sát với từng mô hình, loại hình cơ sở. Một số DN thực hiện dân chủ chưa có chiều sâu, vai trò của ban chỉ đạo và các thành viên ban chỉ đạo còn nhiều hạn chế, mờ nhạt. Đặc biệt là việc cụ thể hóa văn bản qua kiểm tra một số đơn vị còn thiếu, việc ban hành văn bản còn chung chung, chưa sát thực tế. Trong công tác kiểm tra nhiều DN chưa có biện pháp, giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, mà chỉ mang tính đối phó khi có kế hoạch kiểm tra của cấp trên. Việc khuyến khích, biểu dương các đơn vị làm tốt tại một số nơi thực hiện chưa kịp thời...

LÀM GÌ ĐỂ KHẮC PHỤC TỒN TẠI, HẠN CHẾ?

Thực tế từ các DN cho thấy, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy thì ở đó việc thực hiện QCDC cơ sở đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất và trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Cụ thể là cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của mình về thực hiện QCDC và kiểm tra việc thực hiện này theo định kỳ hoặc thường xuyên. Đồng thời, từng cấp ủy, người đứng đầu các loại hình DN cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Giải pháp không thể thiếu nữa là người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu DN tăng cường đối thoại trực tiếp với người lao động. Sau đối thoại cần có sự chỉ đạo cụ thể từ cấp ủy hoặc người đứng đầu với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết những vấn đề bức xúc của người lao động, không để xảy ra tình trạng người lao động khiếu kiện kéo dài hoặc gửi đơn thư vượt cấp.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, ngày 06/6/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi