“Năm nay, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở huyện Krông Pa chuyển biến rõ rệt, quyền và lợi ích chính đáng của người dân được bảo vệ; niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên. Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa - thông tin từng bước được nâng lên; an ninh chính trị được giữ vững ổn định” - ông Ksor Pớ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ huyện Krông Pa, Gia Lai khẳng định.
|
Làm đường bê tông nông thôn trên trục đường chính xã Phú Cần. Ảnh: N.D |
Trao đổi với P.V, ông H’Ving Son, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ huyện, cho biết: Các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của huyện đều là thường trực cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nên rất thuận lợi trong công tác triển khai và chỉ đạo thực hiện. Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo cấp huyện đã mở hội nghị quán triệt cho các xã, thị trấn và các chi bộ trực thuộc của cơ quan huyện để thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ hoạt động theo từng địa phương, đơn vị.
Qua làm việc với lãnh đạo một số xã trên địa bàn huyện, có thể thấy việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều đảm bảo tính dân chủ. Tất cả các chương trình, nội dung đều được triển khai thực hiện đúng, đầy đủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trước khi xây dựng công trình, các cơ quan, đơn vị đều lấy ý kiến người dân, nhất là Chương trình 135. Việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân luôn dựa trên nhu cầu thực tế. Nhờ vậy, người dân ngày càng hiểu rõ nghĩa vụ của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền; mạnh dạn góp ý, phê bình cán bộ, phản ánh những hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến người dân.
Mặt khác, để triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các Ban Chỉ đạo cấp xã bám vào kế hoạch hàng năm, chương trình định kỳ tổ chức tiếp dân, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại và không có đơn, thư vượt cấp. 100% cơ quan, đơn vị cấp huyện tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đầu năm. Qua đó lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức vào việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đăng ký giao ước thi đua... Đồng thời, những thắc mắc trong nội bộ cơ quan được thủ trưởng cơ quan trả lời, giải quyết trực tiếp thông qua đối thoại, công khai kết quả kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã thành lập Ban Thanh tra nhân dân. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiếp nhận và giải quyết 23/48 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Trong đó, cơ quan chức năng đã giải quyết xong 22 đơn, chuyển cơ quan liên quan giải quyết 10 đơn, đang tiến hành giải quyết 14 đơn. Về công tác phòng, chống tham nhũng, hàng năm, tất cả đơn vị và cá nhân đều thực hiện kê khai, công khai tài sản theo quy định. Không có trường hợp nào phải tiến hành giải trình, xác minh tài sản, thu nhập hoặc bị xử lý kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Trong năm 2017, huyện Krông Pa có 12.499 hộ đăng ký gia đình văn hóa, 63 khu dân cư đăng ký khu dân cư văn hóa. Từ đầu năm đến nay, huyện đã kiểm tra, giám sát về thực hiện Quy chế dân chủ tại 4 cơ quan, đơn vị; đến cuối năm sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát thêm 2-3 đơn vị.
Theo ông Ksor Pớ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ huyện, cái khó trong việc thực hiện Quy chế dân chủ là các thành viên Ban Chỉ đạo đều kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc chưa cao. Đa số các doanh nghiệp không muốn Ban Chỉ đạo tiếp cận để kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ tại đơn vị, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa phát huy mà còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Vai trò phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân còn hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ phân công phụ trách địa bàn cũng có mức độ. Một vài đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện sơ kết, tổng kết hàng năm chưa kịp thời. “Thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ mở lớp tập huấn về Quy chế dân chủ để triển khai học tập các nghị quyết của cấp ủy đến người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn” - ông Ksor Pớ cho biết thêm.
Nguồn: baogialai.com.vn, ngày 21/9/2017