Chủ Nhật, 29/12/2024
Yên Bái: Quy chế dân chủ phát huy quyền làm chủ của nhân dân
 
Người dân bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải họp bàn phương án
bê tông hóa đường giao thông. 


Thực hiện Chỉ thị 30 - CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; Kết luận 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là một nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, ý thức về quyền làm chủ, thực hành dân chủ của nhân dân được nâng lên, nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở thành các kế hoạch, chương trình công tác phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 21/4/2017 triển khai kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương và các văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Kế luận số 120-KL/TW. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, chú trọng vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về dân chủ và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Việc thực hiện QCDC tại các sở, ban, ngành luôn gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đơn vị và tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên. MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng chương trình công tác năm 2017 gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các kế hoạch, dự án, quy chế, các khoản thu, chi ở cơ sở để nhân dân biết và giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Qua đó, nhân dân đã chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, cụ thể, sát thực vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Một trong những điểm nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian qua, đó là thông qua hoạt động của ban giám sát đầu tư cộng đồng, người dân đã phát huy được quyền làm chủ, tham gia trực tiếp vào các hoạt động ở địa phương.

Bà Sùng Thị Mây - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: "Vai trò, vị trí của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chức năng giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, góp phần tích cực thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong đó, ban giám sát đầu tư cộng đồng xã, phường, thị trấn hoạt động rất tốt”.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 180 ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.424 thành viên. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 107 vụ việc sai phạm trong việc xây dựng nhà văn hóa, công trình giao thông được ban giám sát đầu tư cộng đồng phát hiện.

Trong các doanh nghiệp cũng ghi nhận những bước chuyển biến tích cực của việc triển khai thực hiện QCDC, đặc biệt là ở các doanh nghiệp có tổ chức Đảng và tổ chức công đoàn, góp phần duy trì hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động.

Theo ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhờ thực hiện tốt các quy định về QCDC, nhất là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động nên không xảy ra đình công, đời sống công nhân lao động được quan tâm hơn. Tuy vậy, đến nay tỷ lệ đơn vị  tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ vẫn còn thấp, chỉ có 10% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, 50% số doanh nghiệp chưa ký thỏa ước lao động với người lao động.

Nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến việc thực hiện các nội dung quy định trong Nghị định 60/2013/ NĐ-CP về QCDC. Mặt khác, hiện nay nhận thức của người lao động về quyền lợi của chính mình cũng rất hạn chế và cần có quy định cụ thể với người lao động trước khi được tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp; qua đó, việc xây dựng, ký các thỏa ước lao động có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động - ông Lương cho biết thêm.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh Yên Bái, thời gian qua, việc thực hiện QCDC tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, còn chiếu lệ, việc công khai, minh bạch các kế hoạch, dự án, chính sách, quy chế chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa kịp thời, dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện.

Một số ban chỉ đạo QCDC hoạt động chưa hiệu quả, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa phát huy tốt vai trò ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; công tác giải quyết đơn thư tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa triệt để, kịp thời, giải quyết thiếu thận trọng, dẫn đến khiếu kiện đông người; thực hiện QCDC khu vực doanh nghiệp còn hạn chế vì mới có 10% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát chưa cao, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn ở cơ sở yếu kém; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần gương mẫu, còn quan liêu và cá biệt có cán bộ còn gây khó dễ, phiền hà cho doanh nghiệp, nhân dân.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, thời gian tới Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh Yên Bái tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy; tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC gắn với Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 10 dự án trọng điểm.

Trong đó, đặc biệt gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, ban, ngành đoàn thể phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện QCDC; thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch các kế hoạch, quy hoạch, dự án để mọi người dân, doanh nghiệp nắm được; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc; mở rộng thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; xây dựng ký kết các thỏa ước lao động tập thể; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị tránh tình trạng khiếu nại kéo dài gây bức xúc trong nhân dân...

Nguồn: baoyenbai.com.vn, ngày 11/8/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi