Thứ Ba, 26/11/2024
Quy chế dân chủ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
 

Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, các hộ dân xã Tây Phong nhất trí phương án đền bù GPMB
để xã xây dựng trụ sở làm việc mới thuận tiện cho người dân đến giải quyết công việc. 

Ngay khi bắt tay thực hiện, Đảng ủy xã xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM để phát huy tính dân chủ phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, người dân được tham gia bàn bạc trực tiếp các vấn đề liên quan đến lợi ích của mình; được công khai các nội dung như phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư liên quan đến dự án, kế hoạch sử dụng đất chi tiết… Việc tuyên truyền, thông báo cho nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức như lồng ghép trong các buổi họp dân, qua loa phát thanh của xóm, xã, tiếp xúc cử tri. Các chương trình, kế hoạch thực hiện, sơ đồ và bản đồ quy hoạch các hạng mục được niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các xóm để nhân dân tiện theo dõi, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở các xóm, trường học, trạm y tế trên địa bàn được tăng cường. Người dân hiểu được xây dựng NTM là việc mà "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như các ông Bùi Văn Quỳnh, Bùi Văn Lăm, Tạ Văn Quảng.

Thực hiện QCDC theo Pháp lệnh 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể hiện rõ nét qua các công trình xây dựng cơ bản. Trụ sở UBND xã được xây dựng năm 2014 với số vốn hơn 6 tỷ đồng, diện tích 4.000 m2. Công trình này ảnh hưởng đến 20 hộ dân vì nằm trên diện tích đất sản xuất của bà con. Sau khi thông báo về chủ trương xây dựng trụ sở mới, Hội đồng đền bù huyện phối hợp với chính quyền xã tổ chức họp dân, thông báo đầy đủ các nội dung liên quan và thống nhất mức tiền đền bù cho mỗi hộ. Qua đó, 100% hộ nhất trí và chấp nhận GPMB, công trình được khánh thành và đi vào sử dụng sau hơn 1 năm xây dựng. Cùng năm 2014, chợ trung tâm xã được xây dựng trên tổng diện tích 1 ha sau khi đã hoàn tất thủ tục đền bù GPMB cho khoảng 45 hộ bị ảnh hưởng.

Phong trào hiến đất ở xã được người dân phát huy mạnh mẽ. ở xóm Nếp, công trình đường giao thông nội thôn với chiều dài 200 m được đầu tư xây dựng từ nguồn NSNN 180 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 100 ngày công lao động, trị giá 20 triệu đồng. Trong đó có hộ ông Bùi Văn Nhệnh và bà Bùi Thị Quyết tự nguyện hiến hơn 40 m2 đất. Việc hiến đất của các hộ cũng như số tiền đầu tư được Ban quản lý xóm công khai đến người dân trong xóm. Đặc biệt, trong công trình đường liên xóm Bảm - Đồi có 66 hộ tự nguyện hiến 1.866 m2 đất ở, 3.034 m2 đất vườn và tài sản trên đất trị giá hơn 264 triệu đồng.

Đồng chí Bùi Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã Tây Phong cho biết: "Việc người dân tích cực hiến đất xây dựng các công trình là minh chứng rõ nét nhất về thực hiện QCDC ở xã. Từ khi đưa vào sử dụng, người dân được hưởng lợi tạo điều kiện để phát triển KT-XH. Đơn cử như chợ trung tâm xã được xây mới tạo thuận lợi cho người dân trao đổi hàng hóa, không ảnh hưởng đến giao thông như trước đây hay đường giao thông các xóm được cứng hóa giúp bà con đi lại thuận tiện, nhất là vào mùa mưa. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,75%, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện”.

Nguồn: baohoabinh.com.vn, ngày 10/8/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất