Thứ Năm, 18/4/2024
Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái
 
 Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy phát biểu kết luận buổi làm việc.


Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Văn Thống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Đến nay, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã đi vào nề nếp và ngày càng phát huy hiệu quả. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng tương đối hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong toàn tỉnh đã tiến hành 694 cuộc giám sát, phát hiện và kiến nghị xử lý 107 vụ việc có sai phạm.

Toàn tỉnh đã có 814/854 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức. Qua đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được trực tiếp bàn bạc và đề xuất các giải pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định. Việc triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của xã hội, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo tốt an ninh trật tự, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Giải trình làm rõ những vấn đề đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương quan tâm trao đổi, Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh đã làm rõ các nội dung về thực chất các hình thức công khai biết, bàn, quyết định ở các loại hình cơ sở; công tác lãnh đạo và quán triệt thực hiện Quyết định 217 - QĐ/TƯ về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội và Quyết định 218 - QĐ/TƯ về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; trách nhiệm và quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cấp xã; Quy chế dân chủ thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; việc công khai, minh bạch các chủ trương, các chương trình, dự án trên địa bàn; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống khẳng định, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội. Đặc biệt, dân chủ trong công tác cán bộ được tỉnh Yên Bái thực hiện công khai, đảm bảo đúng quy trình, quy định. 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ tỉnh Đỗ Đức Duy đã nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đặc biệt trong đó, vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng. Ban chỉ đạo các cấp đã phát huy vai trò trong chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tỉnh luôn quan tâm đến việc công khai, minh bạch; hàng tháng tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để giải đáp kịp thời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân; thực hiện tốt việc hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, tỉnh chú trọng công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính…

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đa dạng hóa phương thức thực hiện Quy chế dân chủ phù hợp với đặc thù của địa phương; tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về Quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thực hiện các chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở nhất là dân chủ trong khu vực doanh nghiệp, dân chủ trong công tác cán bộ, công tác tài chính, dân chủ đối thoại tại nơi làm việc; quan tâm chỉ đạo các cơ quan nhà nước thực hiện Quy chế dân chủ với phát triển kinh tế - xã hội, gắn đạo đức công vụ với đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ; tăng cường công tác đối thoại và tiếp dân để giải quyết đơn thư, khiếu nại phát sinh ngay từ cơ sở…

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất