Công việc trôi chảy hơn, đạt hiệu quả cao hơn nhờ thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Bí quyết ấy đang được nhiều cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội áp dụng với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo.
|
Tuyến đường hoa tại thôn Ích Vịnh, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng
luôn được người dân chăm sóc cẩn thận. Ảnh: LÊ HẢI |
Đường nở hoa, nhà có số
Mặc dù đã được giới thiệu trước, nhưng khi về thôn Ích Vịnh, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi đi giữa những ngõ xóm rộng thênh thang, sạch sẽ với các chậu hoa rực rỡ sắc mầu. Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình Phạm Thị Thu, Trưởng Ban Chỉ đạo mô hình “đường nở hoa, nhà có số” chia sẻ: Là địa phương làm trước để rút kinh nghiệm, cho nên khi bắt tay vào thực hiện, Phương Đình đã gặp không ít khó khăn, bởi chưa có mô hình xây dựng trước đó để học tập và làm theo. Nhưng, càng khó khăn, Phương Đình lại càng quyết tâm cao. Xã tiến hành lập Ban Chỉ đạo, cử cán bộ phụ trách các thôn trực tiếp xuống tham dự sinh hoạt chi bộ, tổ chức hội nghị họp nhân dân để tuyên truyền về công tác xã hội hóa, thông báo rộng rãi và công khai, dân chủ để xin ý kiến người dân. Đồng chí Phạm Thị Thu cho biết: “Chúng tôi xác định thực hiện việc này chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa nhằm làm đẹp cho thôn, các ngõ, xóm, cho mỗi gia đình trong thôn. Khi triển khai, xã quán triệt tinh thần nhân dân trực tiếp là người tham gia và được hưởng thụ kết quả đó”.
Đây cũng chính là cách làm của huyện Đan Phượng khi xác định việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở chính là “chìa khóa” để thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà ở các xã, thị trấn; xây dựng được 74 tuyến đường với 12,3 km "đường có hoa". Những con đường có hoa và con đường bích họa tại các xã Đan Phượng, Đồng Tháp, Liên Hồng được triển khai nhân rộng đã tạo diện mạo mới cho những miền quê này.
Huyện cũng chủ động xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình mới, do đó đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhiều dự án, nhưng không phát sinh khiếu kiện; phát huy dân chủ trong các hợp tác xã, tạo điều kiện để nông dân liên kết, mở rộng sản xuất. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời, không để những kiến nghị, bức xúc của nhân dân phát sinh thành điểm nóng. Những việc làm đó đã giúp huyện phát triển kinh tế - xã hội, đến cuối tháng 9-2017, thu ngân sách đã đạt gần 100% dự toán năm.
Không làm theo phong trào
Không chỉ tại Đan Phượng, nhiều đơn vị, địa phương của TP Hà Nội cũng đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ, coi đây vừa là nhiệm vụ, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng để triển khai công việc.
Tại huyện Đông Anh, trong ba năm gần đây, huyện phải giải phóng mặt bằng 164 dự án với diện tích gần 1.000 ha, trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như: Công viên Kim Quy, Công viên Phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội, Trung tâm Hội chợ và triển lãm quốc gia... Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, để hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy, huyện xác định thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng là giải pháp đặc biệt quan trọng. Vì vậy, huyện đã nghiên cứu, xây dựng quy chế dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Các quyết định thu hồi, kế hoạch tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách liên quan được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thị trấn và nhà văn hóa các thôn. Mọi kiến nghị, phản ánh của nhân dân đều được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ - tái định cư huyện tiếp thu và giải quyết kịp thời. Giai đoạn 2015 - 2016 và những tháng đầu năm 2017, huyện Đông Anh giải phóng mặt bằng liên quan hơn 13 nghìn hộ dân. Nhờ phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, quá trình thực hiện đạt được sự đồng thuận cao, không phát sinh khiếu nại, tố cáo và không phải tổ chức cưỡng chế.
Rõ ràng, khi để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhiều việc khó đã được giải quyết một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn có cấp ủy chưa thật sự chú trọng công tác dân vận, chỉ làm một cách hình thức, hoặc chiếu lệ… cho xong. Nếu không được chú trọng, chấn chỉnh kịp thời sẽ gây nên bất ổn tình hình cơ sở. Vì vậy, khi đề cập nhiệm vụ quan trọng này, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã nhấn mạnh, việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn chặt hơn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, của các cơ quan, đơn vị. “Phải làm sao cho mỗi công việc chung, người dân tự nguyện tham gia thực hiện thì mới bền vững. Thí dụ như việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, không phải cứ đem máy móc đến để phá, dỡ các bục bệ, cầu dẫn nhà dân, mà trước đó phải tuyên truyền, vận động, đi kèm với đó là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân, có như vậy người dân mới đồng thuận, đạt kết quả cao.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 20/11/2017