Thứ Hai, 25/11/2024
Gia Bình phát huy Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

Nét nổi bật nhất trong thực hiện QCDC ở Gia Bình là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, kết quả làm đường giao thông nông thôn đã thể hiện rõ nét việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Với việc người dân được tham gia đóng góp ngày công, tiền của, được bàn bạc và giám sát việc thực hiện, đã tạo nên sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay, 100% đường các thôn xóm ở Gia Bình được bê tông hóa.

Bình Dương là địa phương điển hình trong thực hiện QCDC khi đồng loạt tiến hành làm đường bê tông ở 100% thôn xóm. Với phương châm tăng thu tiết kiệm chi, tận dụng nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ bản, xã huy động được hơn 11 tỷ đồng xây dựng trên 24 km đường bê tông tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của nhân dân. Nhiều thôn như Đìa, Gia Phó, xây dựng hơn 10 km bờ kè, nhiều đoạn có độ sâu 5 - 6 mét; nhiều đoạn thậm chí phải tháo dỡ công trình phụ, hay mở rộng thêm để uốn thẳng đường cho rộng đẹp. Tất cả những việc làm này được thực hiện công khai dân chủ, minh bạch được cán bộ và các hộ dân  đồng tình ủng hộ. Bình Dương hôm nay có hệ thống giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh, khang trang. Năm 2015, Bình Dương là địa phương đầu tiên của huyện Gia Bình về đích xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Đông Cứu, thực hiện QCDC trong xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở xã cũng chủ động xây dựng, rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của Ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức và thực hiện nghiêm túc việc công khai các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mọi kế hoạch, kết quả, mục tiêu của từng tiêu chí được tiểu ban tham mưu cho Chi ủy, Chi bộ bàn bạc, thống nhất giao cho chính quyền tổ chức thực hiện. Những tiêu chí cần phát huy, những tiêu chí cần phấn đấu đều được bàn bạc thông qua hội nghị nhân dân, từ đó giao chỉ tiêu cụ thể đến từng tổ chức đoàn thể, hội viên, gia đình. Do được tổ chức bàn bạc thống nhất, đến nay xã Đông Cứu đã về đích nông thôn mới.

Bình Dương, Đông Cứu chỉ là 2 trong 8 xã của Gia Bình đã về đích trong xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả trên, đó là do Huyện ủy Gia Bình đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở. Theo đó, Huyện ủy đã thành lập ban chỉ đạo, ban xây dựng cơ sở và thực hiện QCDC thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở, nhất là tình hình nhân dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo huyện đã ban hành 32 văn bản chỉ đạo, đặc biệt năm 2013, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đã xây dựng mẫu Kế hoạch thực hiện QCDC ở xã, thị trấn theo tinh thần Pháp lệnh 34. Đây chính là cơ sở để các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cơ sở  phát huy những cách làm sáng tạo trong thực hiện. Trong việc tăng cường nắm bắt tư tưởng, các vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội, nhân dân quan tâm được MTTQ huyện thực hiện thường xuyên, đồng thời chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân. Việc thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp được thực hiện nghiêm túc. Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân cũng được đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC tại các địa phương  được tăng cường... Nhờ đó, việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều mặt công tác tại các địa phương.

Đồng chí Trịnh Đình Lơ, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Gia Bình, khẳng định: Phát huy QCDC cơ sở đã thật sự trở thành “điểm tựa” để kinh tế - xã hội được phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng chí Nguyễn Quang Tôn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Bình, cho biết: Việc phát huy dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua, huyện đã triển khai đến các xã, thị trấn theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đặc biệt, khi xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... đều tổ chức họp thôn để lấy ý kiến của nhân dân. Từ đó để nhân dân theo dõi và giám sát việc xây dựng các công trình. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC. Chỉ đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện QCDC ở cơ sở đến từng địa bàn thôn, xóm; động viên nhân dân, các đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2018, Gia Bình về đích xây dựng nông thôn mới.

Để biến ước mơ thoát khỏi đói nghèo từ vùng đất trũng, vươn tới giàu đẹp, văn minh, Đảng bộ Gia Bình đang nỗ lực quy tụ sức mạnh toàn dân trên tinh thần đồng tâm nhất trí, chung lưng đấu cật từ những khối óc, những bàn tay lao động. Hình ảnh một miền quê trù phú, một huyện nông thôn mới ở Gia Bình đang dần hiện hữu là một minh chứng sống động trong việc phát huy QCDC ở cơ sở, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nguồn: baobacninh.com.vn, ngày 08/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất