Thứ Hai, 25/11/2024
Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị khóa XI "Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở. Các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QCDC ở cơ sở; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn ở mỗi cấp, mỗi ngành, đơn vị.


 Việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn tại bộ phận một cửa
xã An Hòa (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc)
đã tạo sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch

Thủ trưởng các cơ quan nhà nước tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm sự chờ đợi, đi lại của các tổ chức và công dân khi đến cơ quan nhà nước giao dịch và giải quyết công việc liên quan đến thủ tục hành chính. Tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ công chức trong thực hành công vụ, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ trên các lĩnh vực, mở rộng các hình thức dân chủ để nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng chính quyền vững mạnh. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện QCDC ở các loại hình, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực như: Quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản, chế độ chính sách xã hội...

Nêu cao trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, hàng năm, HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch và tập trung giám sát vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Lĩnh vực tài chính, ngân sách; xây dựng cơ bản; tài nguyên, môi trường. HĐND các cấp tiếp tục đổi mới phương pháp tiếp xúc cử tri; thông qua đó, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được giải thích trực tiếp và tập hợp trình HĐND xem xét giải quyết.

Những vấn đề liên quan tới dân sinh trước khi HĐND xem xét, quyết định đều được đưa ra để nhân dân trực tiếp thảo luận, đóng góp ý kiến và được nhân dân đồng tình, góp phần mở rộng dân chủ trong sinh hoạt chính trị - xã hội, nâng cao hiệu lực giám sát của HĐND. Thực hiện QCDC ở cơ sở, chính quyền các cấp đã công khai, minh bạch các lĩnh vực hoạt động của đơn vị liên quan đến giải quyết công việc của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đến nay, đã có 45/45 cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc UBND tỉnh và các bộ phận trực tiếp giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, công dân đều niêm yết các quy định và đặt hòm thư góp ý để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, tham gia, góp ý trong việc cải cách các thủ tục hành chính, thái độ, tác phong của cán bộ, công chức, viên chức. Việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thái độ, tác phong và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Việc rà soát, bổ sung sửa đổi các quy chế, quy định được các cơ quan nhà nước quan tâm chỉ đạo; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động rà soát, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định trong hoạt động của cơ quan, như: QCDC, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ...

Với việc thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân được củng cố, tăng cường. Qua đánh giá, năm 2017, Vĩnh Phúc xếp thứ Nhất trong 63 tỉnh, thành về Chỉ số hài lòng của người dân trong phục vụ hành chính (SIPAS). Các vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân được các địa phương, ban, ngành của tỉnh công khai bằng nhiều hình thức để nhân dân được biết, góp phần huy động sức mạnh của nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhất là cấp cơ sở tích cực vận động và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hành công vụ; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới. Duy trì thường xuyên, nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.../.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn, ngày 21/5/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi