Thứ Hai, 6/1/2025
Tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

 Đại biểu Trung ương, các địa phương tham dự Hội nghị

Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong toàn quốc cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Chương trình đã đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra

Từ đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) với tổng kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước là 221 tỷ đồng. Nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, Chương trình đã huy động được kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện Chương trình (386 tỷ đồng).

Tuy triển khai chậm chạp trong những năm đầu vì vướng nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, giải ngân vốn, nhưng Chương trình đã nỗ lực triển khai được 69 đề tài, dự án. Các nhiệm vụ đều bám sát các mục tiêu và 6 nhóm nội dung được giao tại Quyết định 27/QĐ-TTg và nhu cầu cấp bách của xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới, các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học công nghệ để xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Chương trình đã đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu được giao, đóng góp thiết thực cả về cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách và chuyển giao ứng dụng có hiệu quả. Cụ thể là, sau 5 năm thực hiện, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành và địa phương với gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ; qua đó, đã lựa chọn, thực hiện 69 đề tài, dự án bám sát 5 mục tiêu và 6 nội dung cơ bản, phù hợp với nhu cầu của xây dựng NTM; triển khai xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi và các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Chương trình cũng triển khai đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý sản xuất theo chuỗi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới... cho hơn 11 nghìn người.

Ưu điểm nổi bật của chương trình là thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, đóng góp kinh phí đối ứng tới 43% tổng kinh phí thực hiện. Các doanh nghiệp, cùng các hợp tác xã và nông dân tham gia đã thiết lập được cầu nối vững chắc giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, bước đầu đảm bảo công bằng thương mại cho nông dân.

Chính quyền các địa phương tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ngay trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, các mô hình dự án của chương trình được nhân rộng ở các vùng sản xuất trọng điểm tại đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; đồng thời thu hút được sự phối hợp tham gia, lồng ghép nguồn lực của 3 Chương trình KHCN vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và hàng nghìn chuyên gia, cán bộ khoa học của nhiều chuyên ngành, hàng trăm giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tham gia thực hiện các đề tài, dự án.


 Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại biểu thăm quan sản phẩm KHCN

Tuy nhiên, cũng theo Bộ NN&PTNT, Chương trình còn có một số hạn chế như thủ tục hành chính trong tuyển chọn, phê duyệt đề tài, dự án kéo dài và kinh phí hạn hẹp. Đến hết năm 2015 còn 49 đề tài, dự án phải triển khai thực hiện trong 2 năm chuyển tiếp 2016-2017. Một số đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng nông thôn mới. Một số kết quả nghiên cứu chất lượng chưa cao hoặc chậm được chuyển giao để sử dụng, tác động và hiệu quả đối với thực tế còn hạn chế.

Nguyên nhân Chương trình được triển khai chậm (từ 12/2013) do phải mất thời gian chờ hoàn tất các cơ sở pháp lý. Kinh phí cấp cho các nhiệm vụ cũng muộn, chính thức từ năm 2015…

Điểm sáng Vĩnh Phúc

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định vai trò, tầm quan trọng của KHCN làm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần đổi mới nông thôn và cải thiện đời sống nông dân. Đồng chí nhấn mạnh, với quan điểm lấy KHCN làm nền tảng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và dịch vụ, tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Giai đoạn 2012-2017, Vĩnh Phúc đã triển khai, áp dụng 12 dự án, 150 đề tài, 70 tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ được nhân rộng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, phù hợp với vùng miền, làm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả thiết thực và thân thiện với môi trường.

Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã có 98/112 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM; mục tiêu đến hết năm 2019, tỉnh phấn đấu có 100% số xã, huyện đạt chuẩn và nâng cao các tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Cần tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương những nỗ lực và thành tựu đạt được trong thời gian qua của Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM mà các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo Chương trình, Ban Chủ nhiệm Chương trình và các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, doanh nghiệp, hộ dân có đóng góp với sự nghiệp xây dựng NTM.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện chương trình; có những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; gắn nghiên cứu mới với đúc kết bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án xây dựng mô hình nhất thiết phải có hiệu quả thực tế, góp phần làm sáng tỏ các cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết những vướng mắc trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành. Có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các Chương trình KHCN các cấp trong cả nước phục vụ mục tiêu xây dựng NTM, nhất là phối hợp có hiệu quả với 3 Chương trình KHCN vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ưu tiên nghiên cứu xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu, NTM đặc thù và các dự án xây dựng mô hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Trung Kiên (tổng hợp)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất