Sáng 28/8, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Cụm thi đua các Đảng ủy khối, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy tổ chức hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy và đồng chí Vũ Tuấn Dũng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng chủ trì hội nghị.
|
Quang cảnh hội nghị |
Phát biểu đề dẫn hội nghị, đồng chí Phạm Văn Hải, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng (đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua) nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội nghị nhằm mục đích học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các Đảng ủy Khối, các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các trường đại học, cao đẳng về xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đồng thời, làm rõ sự cần thiết, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cũng như vai trò cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện; chia sẻ kinh nghiệm quý từ thực tiễn, những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”…
Trong một buổi sáng, gần 10 ý kiến tham luận của các đại biểu đã bám sát nội dung, yêu cầu của hội nghị. Theo Đại tá Dương Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô, nét mới trong mô hình “Dân vận khéo” của Bộ Tư lệnh Thủ đô trong những năm qua là thực hiện phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với nhân dân. Đây là cách làm đem lại hiệu quả cao, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với quân đội, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó quân – dân, làm cho bộ đội gần dân hơn, hiểu dân hơn, việc chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân được kịp thời, đầy đủ; việc giúp đỡ nhân dân trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế cũng thuận tiện, hiệu quả hơn.
Từ thực tiễn triển khai các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đại tá Dương Quốc Toản chia sẻ, trước tiên cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác dân vận, cụ thể hóa vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trước khi tổ chức cho cán bộ làm công tác dân vận, phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, cán bộ làm công tác dân vận phải là những đồng chí có nhiệt huyết, sức khỏe, kinh nghiệm, hiểu được phong tục, tập quán của nhân dân địa phương…
Cùng chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong lực lượng vũ trang, tham luận của Công an Thành phố nêu rõ, Ban Giám đốc Công an Thành phố luôn quán triệt công tác “Dân vận khéo” là một nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị và nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân, với phương châm mỗi cán bộ, chiến sỹ là một cán bộ “Dân vận khéo”; việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” tập trung vào làm tốt công tác CCHC gắn với cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công việc, giảm phiền hà, đảm bảo tốt yêu cầu phục vụ nhân dân.
Chính vì thế, nhiều phong trào, chuyên đề mới đã được Công an Thành phố triển khai và phát huy hiệu quả, như mô hình “Phòng ngừa, ngăn chặn biểu tình của sinh viên các trường đại học, học viện, các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố”, mô hình “Vận động văn nghệ sỹ không tham gia các hoạt động phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội” và “Vận động, tranh thủ văn nghệ sỹ có uy tín trên địa bàn Thủ đô”, tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo, dân tộc thiểu số trong phối hợp, hạn chế, ngăn chặn hoạt động gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Còn theo Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố Nguyễn Đức Thành, năm 2018, các cơ quan, đơn vị trong Khối triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và “Năm dân vận chính quyền”. Đến nay, 68/68 cấp ủy cơ sở trong Đảng ủy Khối đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đăng ký 191 mô hình tập thể và 61 mô hình cá nhân thực hiện “Dân vận khéo”.
Các mô hình “Dân vận khéo” của Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố đã gắn với nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, tập trung vào cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân; thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa, tác phong làm việc… Nhiều đơn vị đã phát động hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, như Sở Nội vụ tổ chức tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân về chất lượng phục vụ của đội ngũ CB, CC, VC qua trang thông tin điện tử”; Ban Dân vận Thành ủy triển khai “Xây dựng mô hình Dân vận khéo trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…
|
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai xây dựng điển hình “Dân vận khéo” tại Cụm thi đua các Đảng ủy khối, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Để làm tốt công tác dân vận cũng như xây dựng các mô hình điển hình “Dân vận khéo”, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị: “Nội dung, phương thức tuyên truyền phải đổi mới, đa dạng hóa, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm phát hiện bồi dưỡng, cổ vũ, nhân rộng những mô hình điển hình “dân vận khéo” từ cơ sở. Trong đó, cần chú trọng nhân rộng những mô hình “dân vận khéo” là người lao động đang trực tiếp đảm nhận công việc chuyên môn hàng ngày chứ không chỉ là cấp ủy, người đứng đầu”.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng yêu cầu các đơn vị trọng Cụm thi đua gắn việc thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” với các phong trào thi đua của đơn vị và các chương trình mục tiêu mà Thành ủy, UBND thành phố đã triển khai. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các hoạt động của hội đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… nhằm tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt, các đơn vị cần nắm chắc tình hình trong dân, dự báo tham mưu tình hình một cách khoa học, chính xác, giải quyết kịp thời những vụ việc có thể phát sinh thành “điểm nóng”.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cấp ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho rằng, mỗi cán bộ dân vận cần “Mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm, đầu óc suy nghĩ” thì mới có thể để tập hợp quần chúng nhân dân cùng góp phần xây dựng cơ quan đơn vị, trong sạch vững mạnh, từ đó hoàn thành tốt những nhiệm vụ được cấp trên giao phó./.
Nguồn: hanoi.gov.vn, ngày 28/2/2018