Thứ Tư, 24/4/2024
Thành ủy Hà Nội sơ kết, tổng kết nghị quyết về công tác dân vận, công tác thanh niên

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên TW Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; Thường trực HĐND; lãnh đạo UNBD Thành phố;  lãnh đạo các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Dự hội nghị còn có trưởng ban dân vận các quận, huyện, thị ủy; lãnh đạo UNBD các quận, huyện, thị xã và bí thư các quận, huyện, thị đoàn và các đoàn trực thuộc Thành đoàn.


 Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Từ khi Nghị quyết về công tác dân vận được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 65 văn bản liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết.  Sau 5 năm thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã làm tốt công tác phổ biến, quán triệt nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt, phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội.


 Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội trình bày báo cáo 

Hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Hoạt động của hệ thống dân vận thành phố ngày càng chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp. Công tác tôn giáo, dân tộc được chú trọng thực hiện, giải quyết kịp thời nhiều việc mới, việc khó, phức tạp về tôn giáo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung trên địa bàn Thủ đô được cải thiện, nâng cao.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục đạt nhiều kết quả, tác động tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong giai đoạn 2013  - 2017, toàn Thành phố đã có tổng số 35.786 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Năm 2017, tổng số mô hình, điển hình từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố được triển khai là 7.984 mô hình, trong đó cấp Thành phố là 378 mô hình, cấp huyện là 2.123 mô hình, cấp xã là 5.483 mô hình. Năm 2018, tổng số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố đăng ký và đang được triển khai là 9.609 mô hình.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của BCH Trung ương (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do đồng chí Nguyễn Kim Hoàng, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy trình bày.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của thành phố đã làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, thực hiện nghị quyết và Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Thành ủy, qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, vị trí của thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Thành phố  Hà Nội đã có nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa và ý thức công dân cho thanh niên. Đặc biệt, thành phố đã ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. 10 năm qua, thành phố đã đào tạo nghề cho trên 1,6 triệu lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2017 đạt 60,7% (tăng gấp đôi so với năm 2008). Trong giai đoạn 2008-2013, thành phố bố trí 30-35 tỷ đồng/năm hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và vùng ảnh hưởng của giải phóng mặt bằng, từ năm 2013 đến nay nâng lên 50 tỷ đồng/năm. Đã có trên 172,5 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề, với kinh phí gần 400 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến nhằm triển khai có hiệu quả công tác dân vận và công tác thanh niên trong tình hình mới. Tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năm "Dân vận chính quyền 2018". Thời gian tới, các cấp cần nỗ lực xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân; tiếp thu kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh việc nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị cần triển khai hiệu quả năm dân vận chính quyền theo hướng dân vận khéo, dân vận sâu, dân vận đúng quy định pháp luật và thường xuyên. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong muốn các cấp ủy đảng thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận; vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay.  Đồng thời, thực hiện hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở. Tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, dân vận của lực lượng vũ trang, tạo sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính. Cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện đối với tổ chức Đoàn và công tác thanh niên; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên phát huy vai trò xung kích trên mọi lĩnh vực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. 

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 2 Nghị quyết trên. 

Cũng tại hội nghị đã quán triệt Hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Bích Quyên

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất