Chủ Nhật, 24/11/2024
Hà Nội: Công tác dân vận có bước chuyển mạnh mẽ

Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 25, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 15/7/2013, để triển khai trong toàn Đảng bộ. Cùng với đó, các cấp ủy đảng trực thuộc Thành ủy đã xây dựng chương trình hành động, một số quận, huyện ủy đã quan tâm, xây dựng các chương trình, nghị quyết riêng về công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để thực hiện sát với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm từng địa phương, đơn vị.


 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong thực hiện 
Nghị quyết 25-NQ/TW

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW mới đây, ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng cho biết, ngay khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện đã xác định công tác tư tưởng, công tác dân vận phải đi trước và làm tốt để tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Chính vì thế, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng”, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2012, các xã của huyện đã hoàn thành 136km đường ngõ xóm, 22km đường trục thôn, trên 80km đường giao thông nội đồng… với tổng kinh phí trên 317 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 413 nghìn ngày công, hiến trên 2,5 nghìn m2 đất ở để mở rộng đường giao thông…

“Vì làm tốt công tác dân vận nên đã huy động được sức mạnh của nhân dân, chung tay xây dựng nông thôn mới. Do vậy, năm 2015, Đan Phượng được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội”, ông Lê Văn Thìn cho hay.

Cũng giống Đan Phượng, nhiều địa phương trên địa bàn TP còn tích cực xây dựng, triển khai quy chế dân chủ trong các loại hình mới, như: Quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng, quy chế dân chủ trong khối chợ, trường học ngoài công lập, các hợp tác xã, trong công tác thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là thực hiện quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở quận Long Biên, quy chế dân chủ trong công tác duy trì vệ sinh môi trường ở huyện Gia Lâm…

Đáng chú ý, hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn TP theo Quyết định 217, 218 của Trung ương được tăng cường và đi vào chiều sâu, gắn với triển khai tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân theo Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy ngày càng nền nếp.

Năm 2017, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 72 hội nghị đối thoại; các xã, phường, thị trấn tổ chức 606 hội nghị. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, cấp TP đã tổ chức 4 hội nghị đối thoại, cấp quận, huyện tổ chức 34 hội nghị và cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 255 hội nghị. Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, nhiều kiến nghị, phản ánh của nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp thu, đôn đốc giải quyết, góp phần giữ vững ổn định tình hình từ cơ sở.


 Việc thực hiện tốt công tác dân vận đã góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương

Bên cạnh đó, công tác dân vận trong cơ quan nhà nước của TP Hà Nội đã được quan tâm, nâng cao về chất lượng, hiệu quả. Hoạt động của HĐND TP, nhất là công tác tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn được đổi mới, bám sát những vấn đề dân sinh bức xúc, qua đó, phát huy vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. Công tác cải cách hành chính được UBND TP triển khai toàn diện, đồng bộ, hướng tới xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ, trong đó, chú trọng nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là công tác xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận ở một số cấp ủy chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách còn chậm, có việc chưa sát với thực tế; nhiều bức xúc của người dân chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Việc triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn mang tính hình thức, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một số địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức...

Từ thực tiễn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm. Trong đó, các cấp ủy đảng không ngừng đổi mới việc tham mưu, phối hợp thực hiện công tác dân vận theo hướng tập trung, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường đối thoại và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, đồng thời phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong chương trình công tác hằng năm, lựa chọn đúng khâu đột phá để có giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện. Theo đó, ngoài việc thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, triển khai hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, các cấp ủy đảng phải không ngừng tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Các cấp ủy đảng cũng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn./.

Nguồn: laodongthudo.vn, ngày 21/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất