Thứ Tư, 1/1/2025
Vĩnh Phúc: Hiệu quả công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng

 Đường Hợp Thịnh – Đạo Tú hoàn thành tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân

Đường Hợp Thịnh – Đạo Tú là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, với tổng chiều dài hơn 9km, chạy qua địa phận của 5 xã thuộc 2 huyện Tam Dương và Vĩnh Tường. Xác định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp việc đi lại của người dân thuận lợi mà còn hình thành vành đai 5 kết nối thành phố Hà Nội với xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và Khu du lịch Flamingo Đại Lải (Phúc Yên), do vậy, công tác GPMB luôn được lãnh đạo Ban GPMB&PTQĐ tỉnh thực hiện sát sao trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ, gắn kết hiệu quả công tác dân vận khéo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí Lê Thị Hương, Trưởng phòng GPMB 2, Ban GPMB&PTQĐ tỉnh cho biết: Dự án đường Hợp Thịnh-Đạo Tú có diện tích đất cần GPMB là gần 420 nghìn m2, với hơn 1 nghìn hộ dân trong diện phải thu hồi đất. Thời gian đầu, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số hộ mua đất nông nghiệp của các hộ khác với giá cao, khoảng 100-150 triệu đồng/sào; khi tiến hành bồi thường, GPMB theo mức giá quy định của Nhà nước chỉ khoảng 84 triệu đồng/sào nên nhiều hộ dân không đồng ý giao đất.

Cùng với đó, việc tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình; thông tin về ranh giới, nguồn gốc của các thửa đất, loại đất không rõ ràng; các hộ dân đã trực tiếp canh tác trên đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp và đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, tuy nhiên, khi so sánh số tờ bản đồ, số thửa giữa hồ sơ địa chính lưu giữ tại UBND xã và giấy tờ hộ dân cung cấp không trùng khớp…

Trước tình hình đó, Ban GPMB&PTQĐ tỉnh xác định rõ nội dung vướng mắc của từng hộ, phân loại thành các nhóm, đưa ra hướng giải quyết đối với từng nhóm. Cử cán bộ có kinh nghiệm, năng lực trực tiếp xuống cơ sở lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý của mỗi hộ dân, đưa ra các biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, đúng chế độ, chính sách, vừa đảm bảo lợi ích cho chủ đầu tư và Nhà nước.

Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động. Nhiều khi phải vận động cả hàng xóm của người có đất thuộc diện phải thu hồi hay những người có uy tín trong dòng tộc nhờ vận động giúp.

Đối với nhóm vướng mắc không giải quyết được, các cán bộ tham mưu cho lãnh đạo tổ chức họp, lấy ý kiến của địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan, sau đó tổng hợp và đề xuất với cấp có thẩm quyền để giải quyết. Nhờ vậy, sau một thời gian, nhiều hộ trước đây chưa đồng tình nay đã hiểu và sẵn sàng nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Công tác dân vận trong GPMB còn được Ban GPMB&PTQĐ tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả ở các dự án, tuyến đường trọng điểm như: Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Lô; nâng cấp đê hữu Phó Đáy; đường song song đường sắt Hà Nội-Lào Cai đoạn đường từ đường Kim Ngọc đến nút giao bến xe Vĩnh Yên…

Ban GPMB&PTQĐ tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ phụ trách từng dự án, có trách nhiệm xuống nhà dân để tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển của địa phương.

Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền các cấp nơi có đất bị thu hồi tổ chức họp dân, công khai kịp thời các quyết định, phương án bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư… để người dân nắm rõ các nội dung, phần việc có liên quan và thực hiện, tham gia giám sát. Trong quá trình kiểm đếm, đền bù, các cán bộ phụ trách dự án luôn lắng nghe, tìm hiểu các vướng mắc, kịp thời tham mưu với lãnh đạo để có những biện pháp giải quyết nhanh, dứt điểm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Trong giai đoạn từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2018, Ban GPMB&PTQĐ tỉnh được giao thực hiện giải phóng mặt bằng 22 dự án, hạng mục, với tổng diện tích bồi thường GPMB hơn 671,21 ha, có hơn 6.000 hộ, cá nhân, tổ chức thuộc diện phải thu hồi đất.

Theo kế hoạch đề ra, hết tháng 7/2018, Ban GPMB&PTQĐ tỉnh sẽ thực hiện GPMB với diện tích là 427,39 ha. Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là mô hình dân vận khéo, đến nay, Ban GPMB&PTQĐ tỉnh đã thực hiện GPMB với tổng diện tích đất là 325,03/427,39 ha, đạt hơn 76%.

Theo đồng chí Lê Thị Hương, Trưởng phòng GPMB 2, Ban GPMB&PTQĐ tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai GPMB còn gặp một số khó khăn như: Một số cơ chế, chính sách về GPMB chưa thống nhất nên khi triển khai thực hiện còn nhiều bất cập; việc quy định về mức giá bồi thường, hỗ trợ một số hạng mục tài sản còn thấp, chưa phù hợp với giá trị thực tế hiện nay, gây nhiều bức xúc, không đồng tình của các hộ dân. Đồng thời, công tác quy hoạch khu, điểm tái định cư còn chậm, chưa bố trí kịp thời quỹ đất tái định cư để phục vụ công tác GPMB. Hầu hết, các dự án tái định cư khi tiến hành GPMB mới bắt đầu điều tra, kiểm kê… ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, hạng mục.

Thời gian tới, để công tác dân vận trong GPMB đạt hiệu quả cao, Ban GPMB&PTQĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong thực hiện công tác GPMB; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đăng ký kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định… Công tác GPMB tạo quỹ đất sạch phức tạp và nhạy cảm, vì vậy, cần phải có sự vào cuộc, tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đất bị thu hồi…

Nguồn: baovinhphuc.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất