Chủ Nhật, 24/11/2024
Quảng Bình: Công nhận 2.250 mô hình, điển hình "Dân vận khéo"

 Đồng chí Nguyễn Công Huấn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kết luận tại hội nghị

Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian qua, các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa để lãnh đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Phong trào thi đua được triển khai với nội dung cụ thể, thiết thực theo quy trình khoa học, chặt chẽ, thống nhất từ cơ sở, mang nét riêng biệt so với các phong trào thi đua. Qua đó đã đưa phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được nhiều chuyển biến tích cực, khẳng định được hiệu quả và sức lan tỏa, tính bền vững của phong trào trong đời sống chính trị-xã hội. 

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể tỉnh Quảng Bình đã kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào. Ngay từ đầu nhiệm kỳ và qua hàng năm, các tập thể, cá nhân đã đăng ký xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, chọn mô hình chỉ đạo điểm, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình tiêu biểu. 

Qua phong trào thi đua giai đoạn 2016-2018, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đăng ký xây dựng trên 6.610 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Qua khảo sát, đánh giá bước đầu đã công nhận 2.250 mô hình, điển hình tập thể, cá nhân “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống, chính trị-xã hội. Đó chính là những tập thể, cá nhân tiêu biểu với phương pháp công tác dân vận sáng tạo, khoa học, khéo léo, đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm trong công tác dân vận, góp phần vận động đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong từng tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức về ý nghĩa, mục đích, nội dung, phương thức thực hiện phong trào của một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể còn chưa đầy đủ, thiếu sâu sắc; một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào, chưa có nhiều giải pháp, đổi mới nâng cao về chất lượng, hiệu quả xây dựng mô hình... 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe một số tham luận “Dân vận khéo” của các tổ chức, cơ quan, đơn vị như: Huyện ủy Lệ Thủy với việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Nâng cao vai trò của UBND xã trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” theo chủ đề “Trung thành, tận tụy, sáng tạo vì nhân dân phục vụ” của UBND xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới... 

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên và tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong phát triển kinh tế-xã hội; việc xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải bám vào thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu; hệ thống tham mưu công tác dân vận, Ban Dân vận các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đoàn thể tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.../.

Nguồn: baoquangbinh.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất