Thứ Ba, 24/12/2024
Độc đáo văn hóa dân gian của người Mạ

  Trai gái trong làng vui vẻ nhảy múa sôi động quanh cây nêu cùng tiếng chiêng trống, kèn bầu, kèn môi...
trong 
lễ Yang Koi (hay còn gọi là cúng thần lúa) của người Mạ

Truyền thuyết và nhiều truyện cổ tích của người Mạ gắn liền với nhiều vùng đất đai, núi sông của xứ sở và còn gắn liền với mối quan hệ giữa các dân tộc ở trong vùng liên quan đến nạn hồng thủy, đến buổi khai thiên lập địa trên quê hương xứ sở của người Mạ: “... Nước bắt đầu dâng lên từ sông Đạ Đơng rồi ngập hết cả vùng Đạ Lát (Đà Lạt), Di Linh, Blao (Bảo Lộc)... trong số những người con gái Mạ còn sống sót sau tai họa khủng khiếp này thì K’Grúp lấy chồng người Chăm, K’Grun lấy người miền núi (chỉ người Cơ ho), còn cô gái M’Ho lấy chồng Gioan (người Việt)..." Đó là một trong số khá nhiều những truyền thuyết, những truyện cổ tích nói về buổi khai thiên lập địa trên xứ Mạ xưa, người Mạ có một thể loại cổ tích bằng văn vần gọi là ya liau giống như khan (trường ca) của người Êđê.

Người Mạ còn có một thể loại văn học truyền miệng là những truyện rừng, truyện về các con thú. Đó là thể loại truyện cười, truyện ngụ ngôn, nhân cách hóa các con vật để nói về thế sự dười hình thức gây cười bằng ngôn ngữ bóng bẩy, hàm súc.

Thể loại tục ngữ, thành ngữ, những câu châm ngôn xứ thế mà họ gọi là hdri cũng rất phong phú và đa dạng. Tất cả những câu châm ngôn, ngạn ngữ... mang nội dung về đạo đức, phong tục của dân tộc và các quan hệ xã hội khác của các làng xã Mạ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được mọi người thừa nhận và làm theo và nó trở thành “tập quán pháp” của cả cộng đồng. Thể loại văn học truyền miệng còn là nguồn tư liệu sử học, dân tộc học, luật học, xã hội học, tâm lý dân tộc học và mỹ học có giá trị to lớn.

Một thể loại khác trong văn học truyền miệng của người Mạ cũng rất đáng yêu, đáng quý là những bài ca dao. Người Mạ còn lưu giữ được nhiều bào ca dao cổ, phản ánh nhiều mặt sinh hoạt của con người xưa như: tình cảm, y phục, các hình thức cư trú, lao động sản xuất,....

Mỗi bài ca dao thường chỉ dài 5,6 đến không quá 20 câu. Mỗi câu dài ngắn không theo quy tắc nào. Song chỉ có quy tắc hiệp vần là chặt chẽ. Cách hiệp vần phổ biến và là lõi sở trường trong ca dao người Mạ là âm cuối cùng của câu trên bắt nhịp với âm tiết cuối của từ thứ nhất trong câu liền sau đó.

Luật tục N'dri cũng là một sản phẩm văn học dân gian, gồm những câu nói có vần điệu, ý nghĩa của nó không bao giờ thay đổi. Là những quy ước xã hội, và là di sản văn hóa tinh thần, luật tục này không phải là một bộ luật của hệ thống mà mang hình thức là những phương ngôn, ngạn ngữ được lưu truyền áp dụng thành quy tắc chung.

Ngoài ra còn có thể thơ ca trào lộng có phần tục tính gọi là N' dri sơret. Các anh chàng nghịch ngợm sử dụng loại "thơ chua" này để chọc ghẹo phái nữ hoặc đùa cợt những lúc ở không.

Một khía cạnh nữa của văn vần dân gian Mạ là các lời tế thần trong các buổi lễ quan trọng: lễ đâm trâu, lễ mừng mùa gặt xong, hay còn gọi là cúng thần lúa... Ngôn ngữ sử dụng để cầu khẩn thần linh thường là cổ ngữ, có thể gồm một số tiếng đã không còn dùng phổ biến hàng ngày. Chỉ có những người lớn tuổi có trách nhiệm mới phải nhớ đến. Những lời khấn thần, đôi khi ý nghĩa không hẳn là cầu xin mà là giao ước với thần linh về nhu cầu của con người. Tình đoàn kết giữa các thành viên trong bộ tộc, mối liên hệ giữa các nhóm cư trú trong vùng, sự hỗ tương giữa tự nhiên và con người, cũng là tinh thần chính của mỗi lời văn tế./.

Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi