Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, các dịch bệnh hiện diễn biến ổn định và được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhân 6 trường hợp mắc tay chân miệng, 02 trường hợp sốt xuất huyết mắc ở ngoài tỉnh phản hồi về trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm. 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị, thành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông cho cộng đồng về việc chủ động, tự giác tiêm phòng đầy đủ khi bị động vật cắn.
Dự báo thời gian tới có thể xuất hiện và lây lan một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, các loại cúm có độc lực cao, tay - chân - miệng… Đặc biệt, thời tiết mùa hè là điều kiện cho nhiều loại muỗi phát triển, khiến dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát.
Bác sĩ Hà Hải Việt – Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do vi rút Dengue với 4 tuýp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với tuýp vi rút Dengue gây bệnh nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các típ vi rút Dengue khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với tuýp vi rút Dengue khác, bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue. Người bệnh mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột và kèm theo ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Khi có những biểu hiện trên tốt nhất tới cơ sở y tế để khám bệnh, không tự ý điều trị tại nhà. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết”.
|
Trẻ khám trước khi tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ |
Để chủ động phòng chống sốt xuất và các dịch bệnh trong mùa hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện thành thị xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống trước, trong mùa dịch và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông trước và trong khi thực hiện các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết và phối hợp thực hiện. Củng cố các đội cơ động phòng chống dịch; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng khi có dịch xảy ra.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh, thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Nguyễn Hiền