Thứ Sáu, 22/11/2024
Hà Giang: Đảm bảo bền vững Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả"

 Xây dựng nhà vệ sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Tân Nam (Quang Bình)


Thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các huyện, xã triển khai xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học, trạm y tế, các tiêu chí xây dựng xã đạt “Vệ sinh toàn xã”; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh gia đình và các điểm rửa tay bằng xà phòng tại thôn, bản; hỗ trợ hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn tuyến huyện, xã lập hồ sơ minh chứng, kiểm đếm; hướng dẫn cán bộ xã và trạm y tế làm biên bản họp triển khai chương trình; lập kế hoạch hoạt động và hoàn thành bảng, biểu chuẩn bị công tác kiểm đếm; hướng dẫn các thôn, bản làm biên bản họp thôn.

Đến nay, Trung tâm đã phối hợp hoàn thành kiểm đếm, bàn giao c
ác công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế xã được khởi công xây dựng từ năm 2019 cho 24 xã thuộc huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Mê, Quản Bạ. Hoàn thành việc kiểm toán, kiểm đếm hồ sơ chương trình thực hiện năm 2019 và kiểm đếm bền vững đối với các xã đạt “Vệ sinh toàn xã”. Đối với các công trình khởi công xây dựng năm 2020, Trung tâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và lấy mẫu nước xét nghiệm tại các xã: Quảng Ngần, Ngọc Linh, Phương Tiến, Linh Hồ, Trung Thành, Ngọc Minh, Phong Quang (Vị Xuyên); Tiên Kiều, Vô Điếm, Việt Hồng, Vĩnh Hảo, Đông Thành, Quang Minh, Kim Ngọc, Tân Thành, Tân Quang (Bắc Quang); Tiên Yên, Tân Nam, Hương sơn, Vĩ Thượng, Tiên Nguyên, Tân Trịnh (Quang Bình).

Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các công trình được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.  Hết tháng 12/2020 đã hoàn thành 100% khối lượng công việc theo kế hoạch; lấy 88 mẫu nước sinh hoạt xét nghiệm tại các trường học, trạm y tế thuộc các xã đạt “Vệ sinh toàn xã” đánh giá tính bền vững. Phần lớn công trình cấp nước, nhà vệ sinh tại các trường học, trạm y tế xã hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra một số hạn chế: Một số nhà vệ sinh bị tắc đường ống, không sử dụng được; các thôn, bản vùng sâu, vùng xa khó khăn trong vận chuyển vật liệu xây dựng; điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế, kinh phí xây dựng nhà tiêu thấp, không đủ cho xây dựng một nhà tiêu đảm bảo vệ sinh đúng quy trình; sự vào cuộc và phối hợp giữa các ngành ở địa phương chưa thường xuyên và quyết liệt.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để duy trì tính bền vững các công trình được đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân; Trung tâm Y tế các huyện cần tiếp tục chỉ đạo trạm y tế xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xã đạt “Vệ sinh toàn xã”; quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình vệ sinh trạm y tế; hướng dẫn sử dụng và quản lý nhà vệ sinh đúng cách. UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình tại các thôn có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, phấn đấu tối thiểu có trên 70% hộ dân trong thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát công trình vệ sinh tại trường học, trạm y tế, những công trình nào bị hỏng, không sử dụng được do quá trình sử dụng yêu cầu khắc phục ngay.

An Giang

Gửi cho bạn bè

Các tin khác