Thứ Sáu, 15/11/2024
Hà Nội: Xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch nông thôn
Trạm cấp nước sạch nông thôn ở thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Hiệu suất sử dụng thấp

Thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, những năm qua trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng 110 công trình cấp nước tập trung, trong đó, có hơn 80 công trình hoạt động ổn định với công suất thiết kế từ 300 đến 2.000m3/ngày đêm; gần 30 công trình còn lại đang xây dựng dở dang, hoặc dừng đầu tư, chuyển thành trạm cấp nước trung chuyển nước sạch.

Nhìn chung, hiệu suất hoạt động trung bình của các trạm cấp nước nông thôn mới đạt khoảng 75% so với công suất thiết kế. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước hiện nay của các trạm cấp nước còn khá cao, thấp nhất là 10% và cao nhất là 70%, tỷ lệ nước sạch thất thoát trung bình khoảng 30%. Nhiều nơi không có quy trình vận hành. Trong số hơn 80 trạm cấp nước đang hoạt động, chỉ có 31 trạm có quy trình vận hành, chiếm tỷ lệ 37,3%; 42 trạm cấp nước có nhật ký vận hành, chiếm tỷ lệ 49,4%. Chất lượng nước sạch chưa đồng đều, do chưa được quản lý theo đúng quy định. Việc kiểm định chất lượng nước chủ yếu do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện nhưng chưa thường xuyên. Các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã hầu như chưa thực hiện việc kiểm định chất lượng nước đối với nguồn nước do các hộ dân tự khai thác theo hướng dẫn của Sở Y tế. Công tác vệ sinh tại các trạm cấp nước, nhất là vấn đề xử lý chất thải trong quá trình lọc nước chưa được quan tâm thường xuyên. Hầu hết các trạm cấp nước đang hoạt động không có hệ thống xử lý chất thải, vì vậy trong quá trình lọc nước có chứa rất nhiều các kim loại độc hại với cơ thể con người chưa được xử lý, nhưng vẫn được các trạm cấp nước xả thẳng ra môi trường. Nguyên nhân là do nhiều trạm cấp nước nông thôn được xây dựng từ lâu, thiết kế trạm đầu mối của các trạm cấp nước lạc hậu; diện tích đất trạm đầu mối nhỏ và nằm xen kẹt ở khu đông dân cư… Công tác duy tu, duy trì trạm xử lý và đường ống không được quan tâm thực hiện thường xuyên dẫn đến công trình nhanh xuống cấp.

Nhiều trạm cấp nước được xây dựng mới theo Quyết định số 2691/QĐ-UBND ngày 18-4-2013 của UBND thành phố Hà Nội về Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 không còn phù hợp, nhất là ở các địa phương không có nguồn nước ngầm, hoặc nguồn nước mặt bị ô nhiễm. Huyện Mỹ Đức có ba công trình cấp nước ở xã Lê Thanh, xã Vạn Kim, và xã Hùng Tiến được quy hoạch lấy từ nguồn nước mặt sông Đáy hiện đang bị ô nhiễm. Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa đã xây dựng với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, nhưng người dân không dám dùng nước vì được lấy từ nguồn nước mặt sông Đáy.

Mô hình quản lý các trạm cấp nước nông thôn lại không thống nhất. Hiện nay, tồn tại bốn mô hình quản lý (doanh nghiệp, UBND xã, hợp tác xã và cộng đồng), nhưng việc giao cho cộng đồng, UBND xã, hợp tác xã quản lý chỉ phục vụ việc khai thác, không có duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Vì vậy, chưa xây dựng được quy trình sản xuất, xử lý, vận hành nước đối với các trạm cấp nước đã đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp chưa xây dựng giá bán nước có tính đúng, tính đủ để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ yếu áp dụng theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc bán giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố áp dụng đối với hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh. Việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình cấp nước sạch còn dở dang gặp nhiều khó khăn do công trình đầu tư không đồng bộ, thiếu hạng mục, thiếu đường ống nhánh và đấu nối đến hộ dân…

Đổi mới công tác đầu tư

Để giải quyết vấn đề nước sạch khu vực nông thôn, đáp ứng tiêu chí về nước sạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn, nhằm thu hút các nhà đầu tư. Thành phố công khai các thủ tục hành chính liên quan đến việc định giá tài sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định tài sản có trên đất, cấp phép khai thác và cấp giấy chứng nhận đầu tư; gắn công tác đầu tư với mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau đầu tư theo hướng các đơn vị đầu tư, cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp.

Trước mắt, khẩn trương rà soát các trạm cấp nước do ngân sách đầu tư dở dang chưa hoạt động trên địa bàn thành phố để tham mưu, chuyển giao nhanh cho các doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình để sớm đi vào hoạt động; cấp kinh phí cho các trung tâm y tế huyện thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng nước theo phân cấp của Sở Y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quy trình sản xuất nước, kiểm định nguồn nước, chất lượng nước, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch nông thôn; có cơ chế hỗ trợ cho các hộ gia đình tự kiểm định chất lượng nước và tạo thói quen sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, ăn uống; hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và vận động người dân ở những vùng chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung, nguồn nước ô nhiễm cùng tham gia đầu tư thiết bị theo tiêu chuẩn để xử lý nước tại gia đình bảo đảm yêu cầu.

Hưởng ứng lời kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn, từ tháng 6-2016 đến nay, một số dự án đã được các nhà đầu tư triển khai thực hiện việc cấp nước cho khoảng 14,9 nghìn hộ dân với khoảng 60 nghìn người dân được cấp nước sạch nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên khoảng 1,4%. Hiện, Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho 10 nhà đầu tư thực hiện 20 dự án cấp nước cho khu vực nông thôn với phạm vi cấp nước cho 75 xã, khoảng hơn 180 nghìn hộ. Khi các dự án này hoàn thành sẽ có khoảng 54% người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch trong thời gian tới.

Linh Anh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất