Thứ Hai, 14/10/2024
Công nghiệp điện tử giữ vững đà tăng trưởng cao

Toàn tỉnh hiện có trên 200 dự án thuộc nhóm ngành nghề điện tử hoạt động, chiếm khoảng 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành sản xuất (SX) điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao.


 Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH Jahwa Vina (KCN Khai Quang, Vĩnh Yên)


9 tháng năm 2022, doanh thu trong các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực công nghiệp điện tử, hỗ trợ điện tử trong các KCN ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 16%; giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước gần 1.800 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lĩnh vực thu hút, giải quyết việc làm cho hơn 75 nghìn lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các DN FDI tại các KCN, tăng hơn 8.400 lao động so với thời điểm 15/12/2021.

Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án mới, nhà đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử trên thế giới, nhất là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 100 dự án đầu tư của các DN đến từ tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) với số vốn đăng ký trên 700 triệu USD. Điển hình như dự án SX, gia công linh kiện điện tử Naru chuyên sản xuất, gia công bảng mạch điện tử, bảng mạch dán bề mặt, tấm màn hình cảm ứng; dự án Công ty TNHH J&K Solution chuyên SX và gia công bảng mạch điện tử FPCB...

Tận dụng khai thác hiệu quả ưu đãi của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), nhất là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế, được hưởng ưu đãi thuế quan, nhiều DN đã chủ động, linh hoạt sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả ngay khi dự án đi vào hoạt động; mở rộng quy mô sản xuất, tăng vốn đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu. Điển hình như Công ty TNHH điện tử Jahwa Vina, Công ty TNHH Haesung Vina, Công ty TNHH YMT vina, Công ty TNHH Solum Vina, Công ty cổ phần Bang Joo Electronics Việt Nam,

Đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 với tổng số vốn ban đầu 30 triệu USD, đến nay, Công ty TNHH Cammsys Việt Nam (KCN Bá Thiện- Bình Xuyên) đã 10 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư; mở rộng thêm nhà máy thứ 3 để tăng sản lượng sản xuất camera module dành cho điện thoại lên 13 triệu sản phẩm/tháng và trở thành nhà cung cấp đầu tiên thực hiện SXKD camera quadruple tạo sự bứt phá cho DN. 9 tháng năm 2022, doanh thu của công ty ước đạt 456 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Là DN chuyên SX, lắp ráp linh kiện điện tử cho điện thoại di động, sau 3 năm (năm 2013) đi vào hoạt động, Công ty TNHH Power Logics Vina (KCN Khai Quang- Vĩnh Yên) không ngừng phát triển, mở rộng quy mô SX, đầu tư thêm dự án Nhà máy Powerlogics Bá Thiện Vina tại KCN Bá Thiện II trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử về Module. Hiện, công ty đang tăng tốc sản xuất để về đích, vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện tử, hỗ trợ điện tử, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo hành lang thông thoáng; ưu tiên thu hút phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Hỗ trợ các DN đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao nhằm giúp DN có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong SX.

Đặc biệt, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3663 về chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp điện tử có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Để tiếp tục thu hút được các dự án điện tử công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; tiếp tục hỗ trợ tín dụng phục hồi SXKD, trong đó giảm lãi suất cho vay, ưu tiên hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các khoản vay của DN theo quy định tại Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Duy trì các hoạt động đối thoại với DN, tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện KD. Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu.

Mai Liên

Gửi cho bạn bè