Thứ Tư, 1/1/2025
Thanh Hóa: Khi chính quyền “vì dân”, “gần dân” hơn
 

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối thoại với
người dân xã Hải Hà. Ảnh: dantri.com.vn
 


Xác định vai trò quan trọng của công tác dân vận của chính quyền, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Một trong những nét nổi bật của công tác dân vận của chính quyền ở Thanh Hóa đó là: Chính quyền ngày càng gần dân hơn, hiểu dân hơn, nghe dân nói nhiều hơn; người dân tin tưởng, đồng thuận hơn với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Có được kết quả đó là cả một quá trình từ nhận thức đến hành động, đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các địa phương. 

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác dân vận của chính quyền và thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018, 2019. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 2543-QĐ/TU về Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quyết định 2916-QĐ/TU về ban hành Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và bí thư cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm việc tiếp dân định kỳ hàng tháng (Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng).

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân định kỳ; tăng cường việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các vấn đề bất cập, bức xúc, phát sinh ở cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan hành chính  nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tiếp 13.205 lượt người, tiếp nhận và xử lý 12.019 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; trong đó có 1.298 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết; các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 1.050/1.138 vụ việc khiếu nại, 148/160 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu chính quyền với người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Điển hình trong năm 2018, 2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nổi cộm như: Tiếp xúc đối thoại với nhân dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Cảng Container Long Sơn; đối thoại với các hộ kinh doanh xe điện ở thành phố Sầm Sơn; đối thoại với các hộ dân xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa về việc di dời bến neo đậu bè, mảng để thực hiện dự án du lịch sinh thái biển Hải Tiến; đối thoại với nhân dân xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa về vấn đề quản lý đất đai của chính quyền cơ sở; đối thoại với công nhân xí nghiệp gạch Đông Văn, huyện Đông Sơn về việc giải quyết quyền lợi cho công nhân; đối thoại với các hộ dân thôn Hồng Thắng, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn về đền bù giải phóng mặt bằng....

Điều nhận thấy, sau những cuộc đối thoại trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh các vụ việc bức xúc, nổi cộm được giải quyết ổn định, tránh phát sinh thành điểm nóng, phức tạp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiều nơi đã thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân ở địa phương mình như: TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa, huyện Như Thanh... Thông qua đối thoại trực tiếp các vấn đề bức xúc, phát sinh được giải quyết kịp thời,  giảm đơn thư, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân với chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài chính, khoáng sản...; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai, minh bạch để người dân, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý, phản biện vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án...; triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân, xây dựng phong cách dân vận của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. UBND tỉnh đẩy mạnh việc rà soát để cắt giảm các thủ tục không cần thiết, cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt quy định công khai kết quả giải quyết và công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC cho người dân và tổ chức; tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức; tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện cải cách hành chính nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong triển khai, thực hiện.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 44 quyết định công bố danh mục TTHC với 344 TTHC và 167 TTHC bị bãi bỏ; chấn chính tình trạng giải quyết TTHC quá hạn; thực hiện tốt các nội dung “4 tăng”, “2 giảm” và “3 không”  trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, trong đó: “4 tăng” gồm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết TTHC, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân trong giải quyết TTHC; “2 giảm” là giảm thời gian, giảm chi phí thực hiện TTHC ; “3 không” là không phiền hà sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc cho tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của chính quyền vẫn còn những hạn chế. Chính quyền một số địa phương triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ công tác dân vận của chính quyền  và “Năm dân vận chính quyền” chưa kịp thời, có nơi còn lúng túng, chưa đôn đốc, kiểm tra thường xuyên; công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; ý thức, đạo đức công vụ, trách nhiệm phục vụ công dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan chính quyền nhà nước chưa tốt; quản lý nhà nước về một số lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài chính, khoáng sản, bồi thường giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách…vẫn còn để ra sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân.

 

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
huyện Nga Sơn. Ảnh: baothanhhoa.vn
 


Để chính quyền thực sự là “của dân” và “vì dân” “gần dân” hơn thì trước hết, chính quyền phải làm tốt công tác dân vận. Vì vậy, theo chúng tôi trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

 Một là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để các cấp, các ngành và người dân hiểu và nắm sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chinh sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước về vai trò, vị trí quan trọng của công tác dân vận của chính quyền trong tình hình mới và ý thức, trách nhiệm phục vụ công dân, phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Thực tế cho thấy ở nhiều nơi, vụ việc phát sinh xảy ra có nhiều nguyên nhân, song có nguyên nhân là nhận thức người dân chưa đầy đủ, toàn diện về pháp luật, về chương trình, dự án… đang triển khai hoặc có nơi chính quyền chưa thực hiện đầy đủ các bước quy trình Quy chế dân chủ ở cơ sở nên phát sinh các vấn đề bức xúc xảy ra, do đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong công tác dân vận của chính quyền.

 Hai là, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, công tác cán bộ…tạo niềm tin trong nhân dân; kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của cấp ủy đảng thành chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; phát huy tốt vai trò của người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Ba là, đẩy mạnh cải cách TTHC; thực hiện đầy đủ, kịp thời việc công bố, niêm yết, công khai các TTHC; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; công khai kết quả giải quyết; công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC; xử lý nghiêm cá nhân, trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết TTHC.

Bốn là, nắm chắc tình hình nhân dân, tăng cường công tác tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân và doanh nghiệp, không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền trong việc tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho cấp phó; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc chính quyền cấp dưới né trách, đùn đẩy việc giải quyết đơn thư, vấn đề bức xúc, phát sinh lên chính quyền cấp trên.

Năm là, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân vào xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội liên quan trực tiếp đến người dân; phối hợp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Trương Công Tuấn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất