Thời gian vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân tại một số địa phương. Ðây là một lĩnh vực quan trọng, nếu được các cơ quan chức năng thực hiện tốt, chất lượng cao, sẽ tạo lòng tin cho nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự địa bàn. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy, bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được, công tác quan trọng nêu trên của một số địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập.
Ðiểm dễ nhận thấy trong kết quả thanh tra là, tại một số địa phương, công tác ban hành văn bản quy định, chỉ đạo, điều hành đối với một số lĩnh vực nêu trên chưa đầy đủ; văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chưa kiên quyết, kịp thời. Việc triển khai tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn sai sót, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với một số lĩnh vực, như: tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và công khai minh bạch trong việc chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản thu nhập còn hạn chế, chưa tạo chuyển biến về nhận thức đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng như trong nhân dân. Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm còn để xảy ra thiếu sót.
Bên cạnh đó, một số cuộc thanh tra chưa đúng trình tự, thủ tục quy định, như: Không có nhật ký đoàn thanh tra hoặc ghi nhật ký đoàn thanh tra không đúng quy định; biên bản xác minh không có chữ ký của trưởng đoàn thanh tra; không có biên bản hoặc thông báo kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị; không có báo cáo kết quả kiểm tra của thành viên đoàn thanh tra, thời gian thanh tra bị kéo dài.
Ðáng chú ý, công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý sau thanh tra chưa chú trọng việc kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm, khuyết điểm để có hình thức xử lý kỷ luật…
Tại một số tỉnh, thành phố, một số cơ quan, đơn vị xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm chậm so với quy định. Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, nhất là thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng. Cá biệt, có cuộc thanh tra chưa thể hiện tính kiên quyết trong xử lý sai phạm được phát hiện; việc tổ chức giám sát đoàn thanh tra chưa thật sự phát huy hiệu quả. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm công tác tiếp công dân, nhất là khối sở, trong đó có giám đốc sở không tiếp công dân trong suốt hơn 5 năm. Chất lượng xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh còn nhiều hạn chế, như: phân loại sai, xác định thẩm quyền giải quyết chưa đúng, cập nhật số liệu chưa chính xác, trình tự thủ tục chưa tuân thủ quy định… Ðiều này đã làm hạn chế hiệu quả của công tác tiếp công dân nói chung, ảnh hưởng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phản ánh kiến nghị trên địa bàn.
Tiếp công dân, lắng nghe khiếu nại, tố cáo, phản ánh và kiến nghị của người dân, đồng thời thanh tra, kiểm tra những vấn đề bức xúc trong nhân dân là nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai tốt, đồng bộ, với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan chức năng. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân thì ở đó người dân tin cấp ủy, tin chính quyền, những vụ việc thường được giải quyết ngay tại cơ sở. Qua đó, người dân sẵn sàng tham gia đóng góp, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, các cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu cần đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, cuộc sống; sẵn sàng gặp mặt, tiếp đón và đối thoại với nhân dân khi có vấn đề phát sinh. Gắn liền với nội dung này là việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh những vấn đề được nhân dân phản ánh. Kết quả thanh tra khi được công bố phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phân định rõ ràng đúng sai và quy định cụ thể trách nhiệm đối với những sai sót, vi phạm đã kết luận. Cần chấn chỉnh hiện tượng thanh tra, kiểm tra hời hợt, chiếu lệ, kết luận thanh tra, kiểm tra không rõ ràng và không đủ sức thuyết phục nhân dân. Việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra cần được quan tâm bởi trong thực tế đã có những vấn đề được kết luận nhưng không được triển khai, thậm chí cố tình chây ỳ, gây bức xúc trong nhân dân.
Ðối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm minh quy định của pháp luật, cần chú trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Ðồng thời triển khai công tác dân vận để động viên, thuyết phục nhân dân hiểu, chia sẻ, đồng cảm.
(nhandan.com.vn)