1. Ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy đã tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp xây dựng và tổ chức ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp công tác giữa Ban dân vận tỉnh ủy, thành ủy với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố. Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình, nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng về công tác dân vận, về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được nâng lên. Nhận thức của đội ngũ cán bộ dân vận, về điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực.
2. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tiền tệ đã có những tiến bộ. Ở cấp Trung ương, định kỳ hàng tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Ban Dân vận Trung ương báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng nhằm cung cấp thông tin cho Ban Dân vận Trung ương về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tiền tệ, những diễn biến mới trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ở địa phương, Ban dân vận các tỉnh, thành ủy và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động của ngành Ngân hàng đến với cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Ban dân vận các quận ủy, huyện ủy, thị ủy phối hợp với các phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn tập trung phổ biến các thủ tục, quy định, quy trình, điều kiện vay vốn, thế chấp vay vốn và các chính sách tín dụng được nhân dân phấn khởi đón nhận và đồng tình.
3. Việc nắm bắt tình hình nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của nhân dân đã được Ban dân vận các cấp và ngành Ngân hàng phối hợp với các cơ quan liên quan bám sát tình hình thực tiễn, nắm bắt những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và nhân dân liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng để kịp thời xử lý và thông tin, tuyên truyền rộng khắp các địa phương, giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Gắn với việc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực tham gia tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải đáp những nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường, ngành Ngân hàng đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù, như chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá và các chương trình tín dụng chung nhằm hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa phương.
4. Việc thực hiện Chương trình đã góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận trong hoạt động của ngành Ngân hàng. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về công tác dân vận, Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 450-CT/BCS, ngày 25/5/2015 về thực hiện công tác dân vận trong ngành Ngân hàng; Chỉ thị số 451-CT/BCS, ngày 11/10/2013 về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của ngành Ngân hàng và tiếp tục chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp trong toàn ngành. Các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các nội quy, quy chế, quy định, quy ước, quy trình thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và trong quan hệ giải quyết công việc với nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2008, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Phát huy quyền làm chủ, sáng tạo và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách và phối hợp triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến hoạt động của ngành Ngân hàng.
|
Quang cảnh buổi lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Dân vận Trung ương
và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
5. Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”. Động viên nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng và các hoạt động của ngành Ngân hàng; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các luận điệu xuyên tạc về sự biến động giá cả thị trường gây hoang mang, dao động trong nhân dân. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tiếp tục được đổi mới và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín với đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến tín dụng, hỗ trợ hàng ngàn hội viên vay vốn, với hàng chục tỷ đồng, hướng dẫn hội viên sử dụng đồng vốn có hiệu quả, được hội viên ghi nhận và đánh giá cao. Thông qua hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, trong hoạt động tín dụng xuất hiện, được nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số Ban dân vận và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chưa chủ động trong phối hợp thực hiện Chương trình, chậm triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết, hướng dẫn thiếu cụ thể cho cấp quận, huyện, thị; việc nắm tình hình nhân dân, trao đổi thông tin còn thụ động, chậm, chưa được nhiều, hiệu quả thực hiện Chương trình chưa đạt được kết quả như mong muốn. Công tác phối hợp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như trang bị kiến thức về chính sách tiền tệ, hoạt động của hệ thống ngân hàng cho đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị thuộc hai ngành chưa được quan tâm đúng mức.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Chương trình. Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, phối hợp khảo sát, nắm bắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; tham mưu kịp thời cho cấp ủy chỉ đạo chính quyền có những biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời động viên, khuyến khích nhân dân thực hiện đầy đủ, đúng đắn chính sách tiền tệ, tín dụng, góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội. Chú trọng tới công tác phối hợp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hệ thống ngân hàng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, phong cách phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng. Phối hợp tổ chức nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, chính sách của Đảng về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng gắn với tọa đàm về kinh nghiệm sử dụng vốn vay có hiệu quả tại địa phương, cơ sở.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Ban Dân vận Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chương trình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.
Mai Hương - Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương