Thứ Bảy, 20/4/2024
Khi lòng dân đồng thuận

 Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhã Nam Nguyễn Văn Bích (giữa)
gặp gỡ người dân có nhà di dời phục vụ Dự án Khu lưu niệm

Địa danh lịch sử, văn hóa

Tròn một tuần sau Lễ Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ có 6 điều dạy CAND và khánh thành Khu lưu niệm tại xã Nhã Nam (ngày 11-3), chúng tôi trở lại địa danh lịch sử này. Nhiều đoàn khách đang đến tham quan Khu lưu niệm. Nhà truyền thống với những hiện vật, tranh ảnh lưu giữ về quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND. Dưới bức phù điêu là tượng Bác Hồ cao 7 mét được đặt tại vị trí trang trọng nhất, các thầy cô đang tổ chức lễ kết nạp Đoàn cho học sinh. Hàng trăm cây xanh cũng đã bén rễ, đâm chồi nảy lộc… Nhìn tổng thể, đây là một công trình bề thế, uy nghi, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt, giàu ý nghĩa được xây dựng ngay trên mảnh đất cách mạng Nhã Nam. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bích không giấu nổi niềm vui. Là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, anh tự hào khi công trình có một phần đóng góp không nhỏ của bà con nơi đây.

Khu lưu niệm có tổng diện tích 3,2 ha thuộc thôn Chùa Nguộn và một phần ở thôn Bãi Ban. Khi Đảng, Nhà nước, Bộ Công an có chủ trương xây dựng công trình này, cán bộ cấp uỷ, chính quyền địa phương vừa mừng vừa lo. Mừng là chỉ trong nay mai thôi, quê hương Nhã Nam sẽ có một Khu lưu niệm mang dấu ấn Bác Hồ; đón bước chân của nhiều cán bộ, chiến sĩ CAND và người dân đến tham quan. Lo vì khâu giải phóng mặt bằng. Khu đất này là chân đám mạ, mỗi hộ được chia vài thước, tổng diện tích giải phóng mặt bằng tuy không nhiều nhưng lại liên quan đến hơn 150 hộ dân. Đất tốt, giao thông, thủy lợi thuận tiện nên được bà con cấy trồng quanh năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó còn 5 hộ có nhà xây dựng kiên cố, diện tích hàng nghìn m2 và Nhà văn hóa thôn vừa mới xây dựng cũng trong diện phải di dời. Triển khai giải phóng mặt bằng, trăm người mười ý, làm thế nào để bà con đồng thuận bàn giao mặt bằng đã khó, trong khi lại phải bàn giao sớm và dứt điểm để kịp thi công công trình lại càng khó hơn. Đây là nhiệm vụ đột xuất không thể trì hoãn.

Đảng viên tiên phong

Trước thực tế đó, chính quyền xã Nhã Nam và Ban Quản lý hai thôn nhiều lần tổ chức họp bàn, phát tờ khai đến từng hộ, thông báo chi tiết phương án đền bù để bà con nghiên cứu lựa chọn bồi thường bằng đất hay tiền mặt. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Chùa Nguộn nói: Chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, ra nghị quyết lãnh đạo về nội dung này. 15 đảng viên được phân công mỗi đồng chí phụ trách 10 hộ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, nói cho dân nghe, giải thích rõ để dân hiểu; vướng mắc gì báo cáo lãnh đạo để có hướng giải quyết. Khi biết đây là công trình lưu niệm về Bác Hồ mang ý nghĩa đặc biệt, bà con nhiệt tình ủng hộ.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng, khó nhất là 5 hộ có nhà kiên cố thuộc diện phải di dời. Với trách nhiệm của đảng viên, ông Trương Thê, 75 tuổi đời, 53 tuổi đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã đã tiên phong phá bỏ căn nhà mới xây và hàng loạt công trình phụ để bàn giao 980m2 đất sạch cho dự án. “Tết vừa rồi, gia đình đón xuân trong căn nhà mượn tạm lụp xụp nhưng vẫn vui vì đã góp một phần cho công trình, thể hiện tấm lòng thành kính với Bác Hồ”. Noi gương ông Thê, gia đình anh Đỗ Văn Nguyên cũng bàn giao hơn 1.000 m2 đất ở, 720m2 đất ruộng trồng bưởi, ổi, dỡ nhà hai tầng kiên cố, nhà thờ và 30 gian nhà xay sát gạo, công trình phụ. Hai gia đình khác cũng vậy. Còn duy nhất gia đình anh Đỗ Văn Năm có diện tích đất nằm ở vị trí tâm đường, nếu không di dời sớm thì máy móc không thể vào thi công được. Với trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đồng thời là bạn học suốt những năm phổ thông, anh Nguyễn Văn Bích đã xuống tận nơi vận động. Khi nhận được cái gật đầu của anh Năm, xã đã nhanh chóng cử người hỗ trợ gia đình dỡ nhà, vận chuyển đồ đạc đến nơi ở mới. Tháng 7 năm ngoái, khi 100% số hộ đồng ý ký vào danh sách nhận tiền, tất cả cán bộ xã, thôn đều thở phào bởi đã hoàn thành nhiệm vụ đột xuất tỉnh, huyện giao. “Bài học về gần dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân, đặt mình vào vị trí người dân khi giải quyết công việc phải được coi là hàng đầu”- anh Nguyễn Văn Bích khẳng định.

Nghe Chủ tịch UBND xã tâm sự, chúng tôi càng hiểu thêm về sức mạnh của lòng dân, sự đồng thuận xã hội. Bởi tại đây, ngay trên mảnh đất này, khi mà đại công trường còn đang ngổn ngang, bộn bề công việc, người dân đã hết lòng, hết sức ủng hộ quá trình thi công; tìm nhà trọ, đi chợ, nấu cơm, mang nước uống cho thợ, tham gia bảo vệ tài sản, bảo đảm an ninh trật tự… Sự đồng thuận, ủng hộ ấy của lòng dân được ví như ngọn lửa cách mạng góp phần tạo nên một diện mạo mới cho mảnh đất Nhã Nam hôm nay./.

Nguồn: baobacgiang.com.vn, ngày 19/3/2018 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất