Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dạy rằng: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn”. Trong lĩnh vực xét xử án dân sự, lời dạy của Bác ngụ ý là phải tuyên truyền, giải thích, giáo dục pháp luật cho nhân dân, hòa giải các tranh chấp trong nội bộ nhân dân; qua đó góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật.
|
Hòa giải một vụ tranh chấp dân sự tại TAND TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P |
Đối với công tác giải quyết các tranh chấp dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án nhân dân (TAND) bao gồm việc giải quyết các loại tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (còn được gọi là án dân sự theo nghĩa rộng, sau đây gọi tắt là án dân sự) thì thủ tục hòa giải là một trong các thủ tục tố tụng bắt buộc phải thực hiện, trừ những vụ án dân sự không được hòa giải hoặc những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được. Việc hòa giải thành các tranh chấp dân sự được ghi nhận bằng hình thức quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án dân sự kết thúc một cách nhanh chóng, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển các giao dịch dân sự.
Nhìn nhận tầm quan trọng của công tác hòa giải thành, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định việc đẩy mạnh công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ chiến lược. Trên tinh thần cải cách tư pháp, đồng thời để thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung ngày càng tương thích với pháp luật quốc tế, hướng đến việc minh bạch hóa tiến trình tố tụng, làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Theo đó, nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự không chỉ được kế thừa mà còn được phát triển và đề cao như là một phương thức tối ưu trong giải quyết tranh chấp dân sự.
Tại TAND TP. Bạc Liêu, hàng năm số lượng án dân sự hòa giải thành chiếm trên 50% số vụ án dân sự phải giải quyết, đã làm giảm bớt áp lực công việc đáng kể cho đơn vị. Có thể nói hòa giải thành là một trong những giải pháp đột phá trong công tác giải quyết các loại án tại đơn vị. Do đó, trước yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì trọng trách của Tòa án nhân dân đặt ra ngày càng cao. Đặc biệt là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các tranh chấp dân sự ngày một gia tăng với tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp, thậm chí có những loại án mới, chưa có tiền lệ, chưa có luật điều chỉnh thì việc hòa giải thành còn là một giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc cho hệ thống TAND trong giải quyết các tranh chấp dân sự, qua đó góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Có thể nói, đẩy mạnh công tác hòa giải thành tại TAND TP. Bạc Liêu là một việc làm hết sức thiết thực, giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ công tác xét xử, đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vì vậy, để đẩy mạnh công tác hòa giải thành trong thời gian tới, chúng tôi thiết nghĩ cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức của Đảng và Nhà nước đối với công tác hòa giải thành tại tòa án và công tác hòa giải thành ngoài tòa án thông qua các giải pháp then chốt sau đây:
Một là, các cấp ủy Đảng cần có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, toàn diện đối với công tác hòa giải tại tòa án vì đây là cách thức giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của TAND trong công cuộc cải cách tư pháp.
Hai là, các cấp chính quyền cần có sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ để tạo cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện việc xem xét thẩm định và định giá tài sản tranh chấp; trong tổ chức các phiên hòa giải ở địa phương để hoạt động hòa giải, xét xử của tòa án được thuận lợi hơn. Đồng thời, cần có sự quan tâm trong việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức công tác hòa giải của đơn vị.
Ba là, cần tổ chức tập huấn kỹ năng dân vận khéo cho đội ngũ thẩm phán, hòa giải viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải các vụ án dân sự tại tòa án và ngoài tòa án.
Bốn là, hoàn thiện khung pháp lý về việc ghi nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án nhằm đảm bảo tính khả thi cho kết quả hòa giải thành, giảm thiểu số vụ án tranh chấp dân sự phải đưa ra giải quyết tại tòa án.
Trần Bích Ngọc/ baobaclieu.vn