Ngày 16/5, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Phước phối hợp với Ban Dân vận tỉnh Bình Phước tổ chức buổi tọa đàm tăng cường công tác dân vận, kinh nghiệm và giải pháp nắm bắt tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo ở vùng biên giới của tỉnh.
|
Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP phát biểu tại buổi tọa đàm.
|
Dự tọa đàm có các đồng chí: Đỗ Văn Phớn, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam, Ban Dân vận Trung ương; Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP; Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước...
Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, ngành dân vận các cấp tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã trình bày tham luận về công tác tuyên truyền vận động quần chúng, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố hệ thống chính trị địa bàn biên giới; các hoạt động phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, buôn lậu.
Tập trung phân tích, làm rõ tính đặc thù của tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo khu vực biên giới hiện nay. Đánh giá thực trạng công tác dân vận vùng biên giới, những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó rút kinh nghiệm cũng như đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP nhấn mạnh: Công tác dân vận là “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Muốn làm được điều đó phải thực sự gần dân, gắn bó với nhân dân. Trước hết, phải xem công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, ngành và mọi cán bộ, đảng viên. Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần phải phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng khu dân cư cụ thể.
Bên cạnh việc đảm bảo kinh phí, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nói chung và vận động quần chúng nói riêng cần đổi mới phương pháp, cách làm sáng tạo, xây dựng các mô hình hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa lực lượng vũ trang với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tổ chức tốt các phong trào, các chương trình góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân, đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới.
(bienphong.com.vn)