Thực phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn “bóp chết” những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất sạch, tác động xấu đến nền kinh tế… Đồng hành với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn, UBMTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát ATVSTP tại một số quận, huyện để cùng người dân tháo gỡ khó khăn, bức xúc trước vấn nạn thực phẩm bẩn.
Minh bạch cách làm
Xác định giám sát ATVSTP là vấn đề cấp thiết, UBMTTQ thành phố Hà Nội đã coi nội dung giám sát ATVSTP là việc cần làm ngay.
Việc lựa chọn giám sát chủ đề này đồng nghĩa với việc Mặt trận sẽ dấn thân vào một nội dung gai góc nhưng thiết thực, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xử phạt còn khó khăn.
Trong quý III/2017, UBMTTQ thành phố đã chủ trì, phối hợp các sở: Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương và các ban ngành có liên quan tổ chức đoàn giám sát đối với các hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp huyện và cấp xã về ATTP.
Qua giám sát cho thấy các đơn vị đã bước đầu đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đối với vấn đề ATTP.
Điển hình như quận Hoàn Kiếm đã xây dựng triển khai các mô hình điểm: Đảm bảo ATTP tại các tuyến phố văn minh đô thị phố Hàng Trống; đảm bảo ATTP tại tuyến phố đi bộ mở rộng sang khu vực bảo tồn cấp I phường Hàng Buồm; đảm bảo ATTP tại không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Xây dựng và triển khai Đề án số 100/ĐA-UBND ngày 26/5/2017 “Nhà hàng, khách sạn, đảm bảo ATTP và không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2017-2018.
Tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức đảm bảo ATVSTP, quận Tây Hồ cũng đưa ra các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, quận tập trung phổ biến pháp luật đối với bếp ăn tập thể, các cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố tại khu du lịch, khu di tích lịch sử, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ sản phẩm nông nghiệp…
Với cách làm quyết liệt đó, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như ý thức người tiêu dùng đối với vấn đề ATTP đã được nâng lên một bước rõ rệt.
Tăng cường giám sát
Trước tình hình thực phẩm bẩn đang xuất hiện tràn lan, nhiều địa phương đã có những động thái để ngăn chặn các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm mất vệ sinh hoạt động. Mới đây, nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý và giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Hà Nội đã công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin về mất ATTP và thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế trên địa bàn 30/30 quận, huyện.
Ban chỉ đạo ATVSTP các quận cũng đã yêu cầu UBND phường rà soát lại danh sách các cơ sở trên địa bàn, cập nhật đủ thông tin của các cơ sở thuộc phường, xã quản lý để có báo cáo hàng tháng.
Không dừng lại ở đó, UBMTTQ thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên cũng đã tích cực tuyên truyền về công tác đảm bảo ATVSTP đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thông qua hệ thống truyền thanh huyện và các xã, phường, thị trấn để mọi người thấy được tầm quan trọng của việc bảo đảm ATTP cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đúng quy định.
Nhờ đó, đến nay, 100% thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn Thành phố đã tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với nội dung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện ATTP thông qua bộ tờ rơi do Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam Thành phố phối hợp với Sở Y tế ban hành.
Trong đó, 10 quy tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn, 10 tiêu chí an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố, 10 tiêu chí ATTP đối với kinh doanh cửa hàng ăn uống; phòng ngừa, ngăn chặn ngộ độc thực phẩm; những hành vi bị cấm trong sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm…đã góp phần chuyển biến nhận thức trong nhân dân.
Trực tiếp đi kiểm tra công tác giám sát ATVSTP tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố, theo Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Đức, công tác đảm bảo ATVSTP đã có những chuyển biến tích cực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về ATVSTP đã được UBND quận, huyện xây dựng và triển khai thực hiện.
Các địa phương cũng vận động các cơ sở kinh doanh thực phẩm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và cam kết đảm bảo ATVSTP theo đúng quy định.
“Trong thời gian tới, Mặt trận sẽ cần tăng cường tuyên truyền, vận động giám sát ATVSTP của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát; quan tâm công tác hậu kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo ATVSTP. Trong quá trình triển khai chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nâng cao ý thức thực hiện đảm bảo ATVSTP vì sức khỏe của cộng đồng đồng thời kiên quyết xử lý, răn đe, ngăn chặn và có biện pháp giải quyết dứt điểm các hành vi, trường hợp vi phạm về ATVSTP”, ông Đức khẳng định.
Tuệ Phương