Thứ Sáu, 26/4/2024
Nhân rộng mô hình Chi hội phụ nữ trong thay đổi hành vi an toàn thực phẩm tại Gia Lâm

Ba mô hình chi hội thay đổi hành vi trong ATTP được Hội LHPN huyện Gia Lâm triển khai năm 2017 gồm: Chi hội chế biến hành khô tại thôn Thuận Quang, xã Dương Xá với 12 hộ gia đình hội viên, Chi hội sản xuất bún bánh thôn Yên Viên, xã Yên Viên với 35 hộ gia đình hội viên và Chi hội trồng ổi tại thôn 2, xã Đông Dư với 61 hộ gia đình hội viên. Để triển khai các mô hình, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức cho 100% các hộ gia đình hội viên tham gia thực hiện mô hình ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Cùng với việc thành lập Chi hội, Hội Phụ nữ huyện còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Đài Truyền thanh xã phát tin vệ sinh ATTP 2 lần/tuần, tổng số 39 lần thời lượng 3 phút/lần; Phối hợp với Chi cục Quản lý nông, lâm thủy sản thành phố, hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền sử dụng thực phẩm sạch trong gia đình, giữ gìn vệ sinh đồ dùng, dụng cụ sản xuất, chế biến thực phẩm gắn với tuyên truyền cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không – 3 sạch” được 9 buổi cho 477 lượt người tham dự. Đồng thời, phối hợp với Công ty Cổ phần quốc tế Lead Việt và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức 3 buổi truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống ung thư” tại 03 chi hội cho 126 hội viên thực hiện mô hình.

Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn vệ sinh ATTP trên cây quả theo tiêu chuẩn Vietgap, kiến thức ATTP cho người sản xuất quả an toàn, tuyên truyền xóa bỏ những hành vi không an toàn trong trồng cây ăn quả, bơm thuốc sử dụng đúng liều lượng, các danh mục thuốc cho phép có địa chỉ rõ nguồn gốc, khi bơm xong vệ sinh đồng ruộng bỏ vỏ thuốc vào đúng nơi quy định, hướng dẫn các hộ gia đình sau khi thu hoạch cắt cành, tỉa lá, vệ sinh đồng ruộng, không vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, hướng dẫn quy trình nhật ký theo dõi chăm sóc, bơm thuốc, hái quả trên cây ổi 4 mùa tổng số 8 buổi với sự tham dự của 489 lượt người.

Còn Hội LHPN xã Yên Viên, Dương Xá phối hợp vận động 100% các hộ sản xuất bún, chế biến hành khô tham gia khám sức khỏe, làm thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh. Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của xã tổ chức 7 buổi kiểm tra tại các hộ sản xuất bún và chế biến hành khô. Qua kiểm tra, cơ bản các hộ đều sử dụng nước sạch để sơ chế sạch sẽ, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo, nơi sản xuất khang trang, hợp vệ sinh, chỗ để sản phẩm sạch sẽ, được đặt trên giá bằng inox, dụng cụ sau khi sản xuất được vệ sinh sạch sẽ, không sử dụng chất phụ gia và bảo quản không trong danh mục. Hành khô được phi bằng dầu Meizan của công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít hộ gia đình sản xuất bún khi mua nguyên liệu chưa lấy biên lai, giá để hàng chưa đảm bảo vệ sinh. Hội đã kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình khi mua nguyên liệu phải rõ nguồn gốc, xuất xứ có biên lai mua hàng, sản phẩm làm ra phải để lên giá đảm bảo vệ sinh, khi sản xuất xong dụng cụ, máy móc phải vệ sinh sạch sẽ.

Từ những kết quả bước đầu đáng khích lệ này, năm 2018, Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm tiếp tục nhân rộng mô hình chi hội “Thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm với sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng; Từ đó chuyển đổi hành vi, nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ nữ và gia đình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn.
        
Để thực hiện, Hội Phụ nữ huyện sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất rau, cam, kinh doanh thực phẩm, khai thác sữa tươi và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện “03 không” (Không sản xuất không an toàn; Không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; Không sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm). Bên cạnh đó, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, chế biến, cung cấp rau, quả sạch, sữa bò tươi đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực hẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm trên hệ thống Đài phát thanh Huyện và Đài truyền thanh cơ sở. Khai thác và cung cấp các tài liệu tuyên truyền an toàn thực phẩm tới cán bộ, hội viên, phụ nữ như tờ gấp, tờ rơi, sách, báo... Lồng ghép nội dung tuyên truyền ATTP với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh… Nâng cao trách nhiệm của các hộ gia đình trồng rau, cây ăn quả, sản xuất, chế biến, khai thác trong việc đảm bảo ATTP tại 07 đơn vị.

Ngoài ra, Hội phụ nữ 07 đơn vị sẽ phối hợp với các ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, chất lượng thực phẩm. Kịp thời phát hiện, đề xuất với Ban chỉ đạo xã (thị trấn), huyện thông báo cho các ngành chức năng về các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm kém chất lượng, vi phạm ATTP để có biện pháp xử lý.

Thanh Mai

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất