Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Trong những năm qua, thực trạng an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được xã hội rất quan tâm, tuy nhiên công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.
Nhiều người tiêu dùng vẫn thường băn khoăn và cho rằng họ không có thông tin, không biết đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch vì công nghệ “làm màu” thực phẩm ngày càng tinh vi của những nhà sản xuất, phân phối. Do đó niềm tin của người tiêu dùng về thực phẩm sạch ngày càng bị lung lay. Vậy, bao giờ người dân mới thoát khỏi nỗi lo về thực phẩm không an toàn? Câu hỏi này sẽ còn bỏ ngỏ nếu sự bất chấp an toàn của người bán cũng như thói quen tiêu thụ sản phẩm dễ dãi của người mua cùng các chế tài xử lý chưa đủ mạnh thì con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta sẽ lại càng trở nên ngắn và dễ dàng hơn bao giờ hết như câu nói bức thiết của một đại biểu Quốc hội mới đây.
Ông Trần Ngọc Thanh – Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – cho rằng: “Hiệu quả công tác truyền thông về ATTP chưa cao, chưa kết nối được thực phẩm sạch/các địa chỉ xanh với người tiêu dùng, chưa công khai được cơ sở vi phạm ATVSTP trên phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, truyền thông, tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn về y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm, kiến thức và hiểu biết về ATTP của người dân còn rất hạn chế”.
Theo ông Thanh, khi nói đến thực trạng an toàn thực phẩm chúng ta mới đang quan tâm tới khâu cuối cùng đó là khâu tiêu dùng. Tuy nhiên khi nói tới an toàn thực phẩm phải nói tới chuỗi thực phẩm vì nó tồn tại qua các khâu như sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng. Ngay cả định hướng về truyền thông, hệ thống giám sát vẫn đang chú trọng ở khâu cuối cùng nhiều hơn tới khâu đầu tiên. Nếu chúng ta không giải quyết tốt khâu đầu tiên – khâu sản xuất thì chưa giải quyết hết được gốc vấn đề của an toàn thực phẩm.
Nguồn thực phẩm chính là nhỏ lẻ ở nông dân và được bán ở các chợ nên việc quản lý rất khó khăn. Nhà nước cũng đã và đang có chủ trương làm thế nào để sản xuất nhỏ lẻ nâng lên lớn hơn. Và có nâng tầm thì quản lý mới tốt hơn, tuy nhiên, đó vẫn là câu chuyện rất khó khăn vì còn có liên quan tới quy mô, chất lượng,…. Đấy đang là thực trạng chi phối rất lớn tới việc quản lý an toàn thực phẩm.
Để là người tiêu dùng thông minh là câu chuyện thực sự rất khó. Bởi để nhận biết thực phẩm sạch hay bẩn qua cảm quan thì là chuyện không thể, còn đối với các thiết bị, các test để kiểm tra thì yêu cầu quá cao đối với người tiêu dùng. Do đó, vấn đề cốt lõi vẫn ở bản thân người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vì bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dù chỉ là bán mớ rau, con cá,… mỗi ngày.
Theo các chuyên gia, quan trọng nhất hiện nay là liên quan tới thực phẩm tiêu dùng đó là phần nhiều do các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cung cấp. Có thể nói đây là “điểm đặc biệt” trong bảo đảm ATTP ở Việt Nam và các giải pháp đã tập trung chủ yếu vào khu vực này. Trong đó, một mặt cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng mặt khác tuyên truyền, vận động nhân dân, để mỗi người phải có ý thức tuân thủ pháp luật về sản xuất, chế biến, cung cấp các thực phẩm an toàn; tuyên truyền về đạo đức trong sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế những hành vi kiến thức của người dân, của nhà quản lý, nhà sản xuất kinh doanh đã được nâng lên cao, tuy nhiên, từ kiến thức chuyển đổi sang hành vi vẫn đang còn là một vấn đề rất lớn. Rất nhiều người sản xuất hiểu thế nào là thực phẩm an toàn cũng như làm thế nào cho thực phẩm an toàn, nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp vì đạo đức kinh doanh, vì lợi nhuận họ chưa làm điều đó. Bản thân người tiêu dùng khi được hỏi về an toàn thực phẩm thì rất lo lắng, quan tâm rất muốn tìm hiểu thông tin nhưng thực hành tại nhà chưa chắc đã thực hiện đúng.
Theo Nghị định 15/2018/NĐ - CP của Chính phủ ban hành, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quyền tự công bố độ an toàn sản phẩm của mình, do đó được quyền tự công bố thì trách nhiệm của họ phải nâng cao. Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương chọn chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2018 (từ ngày 15/4 – 15/5) là “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Từ đó chủ đề tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 nhằm mục đích tuyên truyền cho người sản xuất kinh doanh cái trách nhiệm của mình. Bên cạnh việc tuyên truyền để họ hiểu trách nhiệm của mình phải tuyên truyền để họ biết trách nhiệm của họ đối với pháp luật nếu họ vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào.
“Trong tháng hành động năm nay, các cơ quan Trung ương sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra, triển khai kiểm tra tại 12 tỉnh. Đối với các địa phương sẽ có ban chỉ đạo liên ngành tại địa phương qua đó mỗi địa phương có những kế hoạch của địa phương mình để tổ chức triển khai thanh tra kiểm tra trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Đối với các đoàn Trung ương chúng tôi sẽ kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch của Trung ương đề ra địa phương đó thực hiện thế nào và có thể sẽ kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương trên phạm vi toàn quốc”, bà Trần Việt Nga cho biết.
Hoa Nguyễn