Thứ Hai, 18/11/2024
Hà Nội tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn
Thực phẩm an toàn tại siêu thị

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay, thành phố đã thành lập 938 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, có 745 đoàn liên ngành, 193 đoàn kiểm tra chuyên ngành của nông nghiệp, công thương, y tế.

Các đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 102.098 lượt cơ sở. Qua đó, các đoàn đã phát hiện lập biên bản, xử phạt 6.810 cơ sở vi phạm, phạt với số tiền hơn 25 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 120 cơ sở.

Hà Nội tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.

Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã tiến hành xét nghiệm nhanh 191.453/207.640 mẫu, gồm xét nghiệm nhanh dụng cụ, tinh bột, nước sôi có số xét nghiệm đạt là 153.346/169.046 mẫu; xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm (hàn the, phẩm màu, dấm...) có số mẫu đạt là 38.107/38.594 mẫu. Không chỉ vậy, các đoàn thanh, kiểm tra còn lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên 5 xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chuyên dùng, lưu động trong các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ đầu năm đến nay có số mẫu đạt là 702 mẫu/702 mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, các đoàn còn lấy 1.389 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại Labo xét nghiệm. Kết quả có 1.260/1.389 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, hóa lý, các mẫu không đạt, gồm 4 mẫu thịt lợn, 6 mẫu thịt gà phát hiện Salmonella, 6 mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 41 mẫu thủy sản dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Ciprofloxacin, thủy ngân, Enrofloxaxin, 2 mẫu quả vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Tại Hà Nội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với đặc trưng nhỏ lẻ. Đặc biệt tại tuyến xã phường đa số không có giấy phép kinh doanh, chưa đáp ứng được các tiêu chí ATTP. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm rất nhiều khó khăn, mới dừng lại ở nhắc nhở.

Theo kế hoạch từ năm 2018-2020, Hà Nội sẽ về triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP. Hệ thống đã phân ra 3 cấp: thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn thành phố, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo cho cộng đồng.

Long Biên là một trong những quận đã triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, quận đã xây dựng và tổ chức Điểm cảnh báo ATTP cấp 2 (quận) và cấp 3 (phường) trong hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP trên địa bàn toàn thành phố; thông tin cảnh báo về ATTP, sự cố khẩn cấp về ATTP được quản lý, xử lý kịp thời, có hiệu quả, cảnh báo nhanh cho cộng đồng; bên cạnh đó, các đơn vị đầu mối có trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của quận tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nhóm thực phẩm trên địa bàn quận theo phân cấp.

Tại các Điểm cảnh báo ATTP, các thông tin về mất ATTP, ô nhiễm thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; ý thức thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại tới sức khỏe con người sẽ được tiếp nhận để xử lý.

Khi đã xác định quy mô, thành lập ngay các đoàn kiểm tra, xác minh nguồn thông tin về ATTP được tiếp nhận; điều tra xử lý về ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm; kiểm tra, giám sát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp; kiểm tra hậu kiểm chất lượng ATTP.

Sau khi xử lý thông tin tiếp nhận, đưa ra các biện pháp, tuyên truyền cho cộng đồng, cảnh báo nguy cơ tùy từng trường hợp cụ thể.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, song song với việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát ATTP, việc tuyên truyền để người dân nhận thức, nói không với thực phẩm bẩn cũng vô cùng quan trọng. Người dân cần kiên quyết tẩy chay, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Anh Tú


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi