An ninh trật tự (ANTT) được đảm bảo là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường nắm bắt địa bàn, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” để đẩy lùi tội phạm.
Để bảo đảm ANTT trong vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Dân vận khéo”, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Công an tỉnh đã triển khai hiệu quả các mô hình đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Công an các cấp, mũi nhọn là cán bộ, chiến sỹ an ninh và công an phụ trách xã được tập trung xuống cơ sở, nắm chắc tình hình, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch, phản động; thực hiện “4 cùng” với nhân dân và triển khai mô hình “3 quản, 2 tích cực”; tuyên truyền vận động người dân không xuất khẩu lao động trái phép, không nghe lời kẻ xấu, thông tin xấu; giao nộp vũ khí tự chế...
|
Lực lượng chức năng huyện Lâm bình nắm bắt tình hình ANTT
tại thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập |
Một trong những biện pháp đẩy lùi tệ nạn phạm tội hiệu quả trong việc giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là các phiên tòa xét xử lưu động. Chị Ma Thị Thanh, thôn Nà Co, xã Xuân Lập (Lâm Bình, Tuyên Quang) chia sẻ, chị và nhiều người dân trong thôn đi xem xét xử vụ án liên quan đến một người trong thôn từ giữa năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa quên được.
Qua xét xử, chị cũng hiểu thêm rất nhiều quy định của pháp luật và cũng rút ra bài học cho bản thân là việc gì cũng phải bình tĩnh để tìm cách giải quyết. Ông Triệu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết: Toàn xã có trên 470 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu, sinh sống tại 5 thôn, trong đó 50% là đồng bào dân tộc Mông. Ý thức của nhân dân về phòng, chống tội phạm, tham gia giữ gìn ANTT, bảo đảm an toàn xã hội ở cơ sở còn hạn chế.
Để đảm bảo ANTT, chính quyền xã tuyên truyền, chỉ đạo lực lượng nòng cốt là công an xã tuần tra, bám địa bàn, dựa vào nhân dân để nắm bắt tình hình, phân loại đối tượng có nguy cơ phạm tội để phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ cơ sở. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong thôn làm tốt công tác dân vận, chia sẻ, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu đúng, làm đúng...
Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn huyện Yên Sơn đã được hình thành và phát triển, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nhân dân. Huyện hiện có 13 mô hình điển hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Riêng trong năm 2017, huyện xây dựng mới 7 mô hình, nổi bật như: Mô hình “Thôn xóm bình yên về ANTT” của thôn 21, xã Kim Phú; mô hình “Tự quản về ANTT” tại xã Phúc Ninh; mô hình “Thôn tự quản về ANTT” tại thôn làng Bụt, xã Phú Thịnh... Thôn Cháy, xã Tân Tiến đang chuẩn bị thành lập mô hình “3 tự quản, 2 tích cực”.
Bí thư Chi bộ Triệu Văn Mạnh cho biết: Thôn có 65 hộ, 100% là dân tộc Dao. Người dân sống đoàn kết nên việc vận động người dân giữ ANTT thuận lợi. Việc to, việc nhỏ người dân đều nghe trưởng họ, người có uy tín khuyên giải. Chính vì vậy, 5 năm nay thôn không có vụ việc nào mất ANTT.
Xã Tân Tiến (Yên Sơn) những năm gần đây đã không còn phức tạp về ANTT. Ông Hà Trọng Hiếu, Trưởng công an xã cho biết: Xã có 1.074 hộ, trên 4 nghìn dân, trong đó gần 60% người dân tộc Dao, Tày, Hoa. Địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, trình độ dân trí hạn chế... Nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, hòa giải ở cơ sở nên công tác đảm bảo ANTT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, không còn xảy ra những vụ việc phức tạp về ANTT.
Tuy nhiên, trên địa bàn xã hiện vẫn còn tình trạng đi xuất khẩu lao động trái phép. Qua thống kê, nắm bắt dư luận từ nhân dân, toàn xã có 74 trường hợp nghi xuất khẩu lao động trái phép, trong đó 24 trường hợp là người Dao. Nguyên nhân chủ yếu là do không có việc làm ổn định nên người dân đi lao động “chui” để kiếm tiền. Trước tình trạng này, cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an xã triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền, giải thích về những hậu quả có thể xảy ra khi vượt biên trái phép, đồng thời tăng cường nắm bắt dư luận để kịp thời ngăn chặn.
Cùng với lực lượng chức năng, các cấp chính quyền cơ sở đã tích cực vận động người có uy tín trong đồng bào DTTS vào tham gia giữ gìn ANTT tại địa phương; bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, trình độ chính trị, hiểu biết xã hội, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người có uy tín, coi đây là những “ngọn cờ” trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Chính phủ; quan tâm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS./.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn