Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội đã giúp người dân huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nhiều hộ gia đình chủ động tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từ đó dần thoát nghèo, đời sống có những đổi thay.
|
Sản phẩm thanh long ruột đỏ của Lập Thạch đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường
đem lại nguồn lực kinh tế đáng kể cho địa phương
|
Lập Thạch là một huyện miền núi ở phía tây bắc của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay trên địa bàn huyện Lập Thạch có 12 dân tộc anh em cùng chung sống có 970 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 3.300 nhân khẩu gồm các dân tộc Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Tày, Mường, Thái, Nùng sống xen kẽ, hòa đồng ở hầu hết các xã trong huyện.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Lập Thạch thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách ưu đãi trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Công tác vận động, tuyên truyền luôn là một trong những nội dung được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân, đặc biệt là người nghèo, hộ cận nghèo, làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của nhân dân.
Huyện huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, đặc biệt là việc vận động cán bộ, đảng viên chung sức xây dựng NTM, giảm nghèo nhanh, bền vững; đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”, thông qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình trong lĩnh vực kinh tế, từ đó, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Vũ Đình Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trục cho biết: Cách đây 10 năm, Vân Trục là địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Lập Thạch. Phương thức sản xuất lạc hậu, nhận thức của người dân hạn chế. Do vậy, để thay đổi suy nghĩ, cách làm, xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỉ lại đã ăn sâu, bén rễ trong nếp sống của người dân quả không hề dễ dàng, nhất là trong xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, không vì khó mà địa phương không làm, cấp ủy, chính quyền xã xác định cốt lõi của vấn đề chính là công tác vận động, trực tiếp là người cán bộ làm công tác dân vận, theo phương châm "dân vận khéo, mọi việc sẽ thành công". Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích trực tiếp để người dân hiểu, thay đổi cách nghĩ, cách làm…
Nhờ phát huy vai trò gương mẫu của những người làm công tác dân vận ở thôn, xóm, đến nay, Vân Trục xây dựng thành công nhiều mô hình trồng thanh long ruột đỏ với tổng diện tích toàn xã hơn 53 ha. Điều đáng nói, nhiều hộ dân trước đây là hộ nghèo lâu năm ở thôn, sau khi được tuyên truyền đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thanh long cho năng suất cao; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm.
Liên Hòa là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, số hộ nghèo năm 2019 của xã giảm còn 77 hộ, chiếm 3,9%, giảm 1,73% so với năm 2018. Liên Hòa phấn đấu đến hết năm 2019 tục giảm 12 hộ nghèo. Đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết: “Liên Hòa là xã thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Để nâng cao đời sống cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt đến người dân; đưa cây giống, vật nuôi mới, có năng suất cao vào sản xuất; vận động các đoàn thể hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hướng dẫn các hộ dân có nhu cầu làm tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; khuyến khích lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc đi xuất khẩu lao động... Từ năm 2018 đến nay, toàn xã có 14 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài”.
Với sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện của chính quyền, sự hưởng ứng của các tổ chức thành viên, đã giúp người dân đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, huy động các nguồn lực đầu tư về giống, vốn, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển trang trại, kinh tế đồi rừng, phát triển làng nghề…
Trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết phát triển kinh tế mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Lập Thạch đạt 67 triệu đồng/năm; còn 1.165 hộ nghèo tiếp cận đa chiều, chiếm 2,89%, trong đó, có 989 hộ nghèo về thu nhập, 176 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, toàn huyện sẽ giảm 310 hộ nghèo.
Thu Hằng