Chiều 1/10, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Gặp mặt, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội trong 3 năm 2017 - 2020.
Dự và chủ trì có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,23%, giảm 1,47% so với cuối năm 2017; 1,2 triệu hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,95%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 33,63%, giảm 5,93%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 22,84%, giảm 4,72% so với cuối năm 2017
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo của Liên Hợp Quốc và đang triẻn khai Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới 2030 của tổ chức lớn nhất hành tinh này.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thời gian qua chỉ từ 7-8%/năm nhưng chi cho an sinh xã hội tăng bình quân trên 20%/năm.
Ngoài các khoản chi từ ngân sách nhà nước, Chính phủ cũng triển khai tín dụng chính sách qua Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho vay thoát nghèo hơn 200.000 tỷ đồng trong hơn 15 năm qua.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn số liệu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết trong 9 năm qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người nghèo trên 50.000 tỷ đồng để giúp đỡ họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
“Chưa kể nhiều doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã lặng lẽ hỗ trợ rất rất nhiều mà chúng ta chưa thống kê được. Chúng tôi đã đề nghị các đơn vị này báo cáo số liệu ủng hộ nhưng họ nói không cần thiết”, Phó Thủ tướng cho biết.
“Dù ủng hộ công khai hay lặng lẽ thì Ban chỉ đạo và Mặt trận thấy rằng cần phải có các hình thức tri ân tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các cộng đồng có tinh thần thiện nguyện”, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia nói.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Bằng khen cho cá nhân,
tập thể có thành tích xuất sắc |
Với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, cả nước đã sửa chữa, xây mới 1,5 triệu nhà đại đoàn kết và giúp hàng triệu người thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông và các dịch vụ cơ bản khác.
Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, đã có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 200 xã thoát khỏi khó khăn, nhiều xã trở thành xã nông thôn mới hay thôn, bản nông thôn mới.
“Việc tiếp nhận ủng hộ và chi tiêu công đều công khai, minh bạch và không ai được phép gian lận 1 cắc, 1 hào. Đây là lệnh của Thủ tướng và Chủ tịch Mặt trận tới các cấp, đơn vị rồi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới các nhà tài trợ.
Phó Thủ tướng cũng thông tin về trường hợp 100 hộ dân ở Ba Chẽ, Quảng Ninh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và khẳng định: “Không chỉ người có điều kiện chia sẻ với người nghèo mà người nghèo cũng có ý thức chia sẻ với nhau, để dành nguồn lực cho người khác khó khăn hơn mình. Đó là tinh thần tương thân tương ái quý báu của dân tộc ta”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng cả nước vẫn còn 2,53 triệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Tỷ lệ tái nghèo rất cao khi gặp biến cố bão lũ,... đòi hỏi Chính phủ, các địa phương tiếp tục ban hành và thực thi đồng bộ các chính sách giảm nghèo căn cơ hơn nữa và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế- xã hội bền vững các xã vùng dân tộc, biên giới.
PV