Thứ Sáu, 10/5/2024
Tam Nông với chương trình OCOP

Ấn tượng “tranh thư pháp trên lá sen khô”

Tại cuộc thi “Ý tưởng, Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2018”, do Tỉnh Đoàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp tổ chức, Dự án “tranh thư pháp trên lá sen, vỏ tràm” của Trịnh Phi Long (SN 1986) đã vinh dự đoạt được giải III”.

Để có được một bức tranh thư pháp đẹp, có hồn, thu hút được nhiều người thưởng thức, Long phải trải qua quá trình khổ luyện thật công phu. Theo Long thì: Thư pháp là một môn nghệ thuật, người viết thư pháp phải thật sự đam mê, sống vì đam mê thì lúc đó mới có thể phát triển được năng khiếu và tài năng của mình. Khi viết thư pháp, đòi hỏi cái tâm phải tịnh và tất cả mọi thứ xung quanh mình phải gạt bỏ qua hết, chỉ duy nhất là phải tập trung vào để viết làm sao cho nó đẹp nhất…


  Thầy giáo Trịnh Phi Long theo đuổi đam mê, khởi nghiệp với thư pháp  

Năm 2018, thầy Long theo đuổi niềm đam mê. Anh mở cơ sở tranh thư pháp mang tên Phi Long tại nhà ở ấp 4, xã Hòa Bình. Trong thời gian hành nghề và tích cực quảng bá sản phẩm, tranh thư pháp của Phi Long được đóng khuôn thành phẩm với nhiều kích cỡ đẹp nên được nhiều khách hàng ưa chuộng tìm đến xem, trải nghiệm và đặt mua… Dip Lễ Quốc khánh 02/9/2017, Long phát hiện ra lá sen sấy khô và có ý tưởng viết thư pháp trên chất liệu này. Phi Long chia sẻ: “Mình đã biết về lá sen sấy khô này trước đó rồi, từ Công ty Khởi Minh Thành Công. Mình đã liên kết lấy nguồn nguyên liệu về để mình thực hiện mảng thư pháp lên thành các sản phẩm tranh thư pháp. Cơ sở hiện đã liên kết với chủ trại đóng khung ở thị trấn Tràm Chim vận chuyển khung về cho mình. Tranh lá sen có chất liệu từ 100% lá sen đều đã qua công nghệ xử lý sấy hiện đại nhất. Tranh lá sen khi dán lên để viết rất khó; bởi lá sen có gân nên khi viết đòi hỏi một kỹ thuật nhất định và tạo hình nội dung thì mình phải định hình trước; chất liệu mực viết cũng phải nghiên cứu khác với chất liệu trên giấy dó, chất liệu phôm… làm sao cho không bị phai và phải nổi lên trên lá sen đó cho nó đẹp hơn. Quan trọng là làm sao thổi hồn được vào trong lá sen đó trở thành một tác phẩm nghệ thuật được nhiều người đón nhận và hài lòng. Khi khách hàng mua dòng tranh thư pháp thì được bảo hành trong một thời gian có thể là 3 năm. Trong 3 năm đó, khách sử dụng có vấn đề gì thì bên Phòng tranh sẽ tư vấn cho khách để bảo quản khi khách ở xa. Còn khách ở gần thì đến trực tiếp xem tranh bị vấn đề gì và mình có hướng khắc phục. Khi khách mua bất kỳ sản phẩm nào từ quà lưu niệm đến bức tranh lớn đều được hướng dẫn cho khách treo tranh nơi nào và bảo quản ra sao để tránh ẩm mốc, hư hỏng”

Nhờ đó trong năm 2017, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất tranh thư pháp Phi Long cho ra thị trường từ 30 - 40 khung tranh thư pháp các loại, giá bán từ 250.000đ/khung tranh trở lên. Khách du lịch và khách ở trong và ngoài tỉnh ủng hộ rất nhiều. Đầu năm 2018 đến nay, số lượng tranh bán ra tăng… Chất liệu tranh chủ yếu là tranh lá sen khô nhiều và vẫn có chất liệu khác như: phôm, giấy mỹ thuật hoặc những sản phẩm quà lưu niệm trên giấy xuyến… Sau khi trừ tất cả chi phí và tiền công, gia đình còn lời từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Trước những kết quả khả quan, anh Trịnh Phi Long đã có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thiết kế, liên kết với các tour du lịch lữ hành của các Công ty và khu du lịch Vườn QGTC, Gáo Giồng, Xẻo Quýt… đến cơ sở để tham quan, trải nghiệm viết thư pháp… Cũng có hướng liên kết với các điểm du lịch homestay trên địa bàn tỉnh và những khu du lịch ngoài tỉnh để mình ký gửi những sản phẩm giới thiệu tới khách du lịch để người ta mua về làm quà tặng bạn bè, người thân hoặc treo trong nhà làm kỷ niệm… Anh Long cho biết: “Chính vì niềm đam mê thư pháp mà mình muốn khởi nghiệp để cải thiện hơn về kinh tế, giúp được cho những bà con có đầu ra sản phẩm lá sen cho người ta sản xuất; muốn được giới thiệu nhiều hơn đến các bạn trẻ, bạn bè gần xa biết về Đồng Tháp qua dòng tranh thư pháp trên lá sen”

Mới hơn 30 tuổi, nhưng thầy giáo Trịnh Phi Long đã có ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm độc đáo “tranh thư pháp trên lá sen khô” ở địa phương rất đáng tự hào. Hiện tại, Phi Long đang liên kết với Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp và câu lạc bộ thư pháp Sen Việt tỉnh mở lớp dạy viết thư pháp miễn phí cho các bạn yêu thư pháp…

Để động viên, khuyến khích thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long tiếp tục thực hiện thành công Dự án khởi nghiệp độc đáo từ sản phẩm “tranh thư pháp trên lá sen khô”, anh Nguyễn Minh Thọ - Bí thư Huyện Đoàn Tam Nông cho biết: “Tôi hoan nghênh Dự án khởi nghiệp độc đáo từ “tranh thư pháp trên lá sen, vỏ tràm” của thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long. Bởi, chủ Dự án đã thể hiện được sức trẻ, đầy sáng tạo cũng như nhiệt huyết trong khởi nghiệp. Dự án khởi nghiệp của anh Long, không chỉ tạo việc làm, có nguồn thu nhập ổn định cho thanh niên nông thôn mà còn tận dụng lá sen đặc trưng của vùng đất “Đồng Tháp Sen Hồng”, sản xuất ra thành dòng sản phẩm “tranh thư pháp trên lá sen khô” thật độc đáo… đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc của khách hàng”…

Đậm đà hương vị “nước mắm nhĩ cá linh truyền thống Bích Tuyền”

Dự án “Nước mắm nhỉ cá linh truyền thống” của Bích Tuyền đã vào vòng chung kết lần thứ IV/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh và được nhiều tổ chức, cá nhân đánh giá có tính khả thi cao. Lương Thị Bích Tuyền đã vinh dự được bình chọn là một trong 5 gương mặt tiêu biểu, điển hình đại diện cho tuổi trẻ trong huyện để tuyên dương, khen thưởng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” nhân sinh nhật lần thứ 88 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…


 Chị Bích Tuyền thành công với sản phẩm nước mắm nhỉ tuyền thống

Chị Bích Tuyền vui vẻ chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống làm nước mắm nhỉ từ con cá linh của bà nội và ba tôi… sau khi được ba chỉ dạy tận tình, vào năm 2014, tôi bắt tay vào nghề. Lúc đầu, tôi chỉ ủ có 3 khạp (tương đương 40kg cá linh và muối). Sau 1 năm ủ, khuấy đảo và phơi nắng 40kg cá linh và muối đã cho ra 20 lít nước mắm nhỉ cốt. Có được sản phẩm, tôi đem bán thử ra thị trường. Lúc đầu gặp nhiều khó khăn, do giá bán cao hơn các loại nước mắm nấu và nước mắm công nghiệp… Vả lại, số lượng nước mắm nhỉ của tôi rất ít vì phải nhỉ từng giọt và đem phơi nắng cho nước mắm chín đều, thơm, ngon, đậm đà… Nhờ kiên trì tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và cho nhiều khách hàng đến xem tận mắt cách chế biến nước mắm nhỉ của tôi đảm bảo chất lượng, không dùng bất cứ một loại hóa chất gì… Dần dà sản phẩm nước mắm nhỉ cá linh của tôi được người tiêu dùng tin tưởng và mua sử dụng nhiều. Từ đó, tôi tập trung vốn, mua thêm dụng cụ, nguyên vật liệu và mở cơ sở sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống, đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên “nước mắm nhỉ Bích Tuyền”. Từ khi mở cơ sở sản xuất đến nay, thị trường bán nước mắm nhỉ Bích Tuyền ngày càng mở rộng. Từ đó, sản lượng nước mắm nhỉ Bích Tuyền của tôi chế biến ngày càng tăng”

Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống là: cá linh và muối… Từ lúc ủ, khuấy đảo và phơi nắng đến khi cho ra từng giọt nước mắm nhỉ thành phẩm đậm đà, thơm ngon… từ 9 tháng đến gần 1 năm. Chị Tuyền bày tỏ: “Để có đủ nguồn cá linh nguyên liệu chế biến nước mắm nhỉ, mỗi năm vào mùa nước nổi tôi thu mua với số lượng nhiều đủ sản xuất nước mắm bán ra thị trường trong thời gian tới 2 năm…”.

Khi sản phẩm nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền được người tiêu dùng tín nhiệm mua nhiều, chị Tuyền đã đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm thiết bị hiện đại, khép kín đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế và thương hiệu nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền nên sản phẩm nước mắm nhỉ truyền thống Bích Tuyền sản xuất ra càng ngày càng tăng. Nếu như năm 2015, bình quân mỗi tháng cơ sở chỉ cung cấp ra thị trường từ 20 - 50 lít nước mắm nhỉ cốt, với 2 loại chai nhựa và chai sành, có thể tích từ 180ml đến 500ml và 1.000ml thì từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường từ 200 - 250 lít nước mắm nhỉ cốt. Doanh thu từ 17 - 21 triệu đồng/tháng. Bà Thiên Hương ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Mấy năm gần đây, tôi thường mua và sử dụng nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền. Tôi thấy, đây là một loại nước chấm và cũng là loại gia vị nêm nếm, tẩm ướp để kho, nướng… rất ngon và đang được nhiều thực khách rất ưa thích-nhất là các bà nội trợ như tôi, vì nó có hương vị đậm đà, thơm ngon và nhiều dinh dưỡng…”

Do sản phẩm nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền thơm ngon đậm đà, không chất bảo quản, không chất tạo mùi, đảm bảo an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm nên bán rất chạy. Không ít mối lái đặt hàng mua với số lượng lớn để mở đại lý, cửa hàng… Sản phẩm nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền không chỉ có mặt trên thị trường miền Tây Nam Bộ mà còn lên tận thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên... Sản phẩm nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền còn được tham gia trưng bày và bán sỉ, lẻ tại các Hội chợ do tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Cơ sở hiện đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người. Bà Nguyễn Thị Lan (SN 1958) và ông Lê Văn Cường (SN 1988) là hai công nhân làm việc thường xuyên của cơ sở cho biết: “Chúng tôi làm ở cơ sở này từ năm 2017 tới nay. Chúng tôi làm ở khâu quậy mắm, nhỉ mắm vô chai, đóng nút, dán nhãn… Mỗi tháng thu nhập hơn 3 triệu đồng. Chúng tôi thấy cô Bích Tuyền chủ cơ sở ở đây vui vẻ lắm, đối xử với chúng tôi rất tốt, cô Tuyền không có phân biệt giữa chủ và người làm công…”.

Chị Tuyền cho biết: “Cơ sở của tôi không chỉ mở rộng quy mô sản xuất nước mắm nhỉ tuyền thống mà còn chế biến ra sản phẩm mới là nước mắm cá linh hương dừa, làm thêm loại nước mắm có giá rẻ một chút để bán cho những người có thu nhập thấp…”

Anh Nguyễn Minh Thọ - Bí thư Huyện Đoàn Tam Nông nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao về chất lượng nước mắm nhỉ truyền thống của bạn Bích Tuyền. Đây là sản phẩm thông thường nhưng nó rất thông dụng với mọi gia đình của người Việt Nam. Dự án“Nước mắm nhĩ truyền thống Bích Tuyền” có nhiều tiềm năng phát triển, phát huy tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ... được Ban thường vụ Huyện Đoàn rất quan tâm và đầu tư hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnhPhương hướng tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ dự án này tham gia các phiên chợ nông nghiệp xanh, nhịp cầu xúc tiến thương mại, giới thiệu đến các chợ đầu mối lớn, các siêu thị... Đồng thời phối hợp với Trung tâm phát triển du lịch huyện Tam Nông ký kết các tua du lịch gắn kết với các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tại các địa phương, nhằm thực hiện chương trình trọng tâm của tỉnh, huyện về thực hiện đề án phát triển du lịch và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Độc đáo sản phẩm “gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng Năm Đấu”

Sau khi cấy thử nghiệm thành công giống lúa huyết rồng trên 700m2 đất ruộng nhà và nấu cơm ăn thử thấy thơm, ngon, ngọt tự nhiên… Lê Văn Đấu quyết định dành 13.000m2 đất canh tác giống lúa huyết rồng để làm vùng nguyên liệu chế biến thành sản phẩm “Gạo lứt Huyết rồng nguyên hạt” và “Bột gạo Huyết rồng”. Cựu binh Lê Văn Đấu cho biết: “Qua chương trình y học, được biết gạo lứt giúp trị bệnh tiểu đường, ổn định tiểu đường nên tôi dự định làm thử. May mắn đúng lúc đó tôi được người bạn cho mấy ký giống gọi là Huyết rồng. Tôi cấy thử trên 700 mét vuông. Sau khi ăn tôi thấy đường huyết của mình tương đối ổn định nên tôi quyết định nhân giống. Với suy nghĩ là làm sao cho lợi nhuận tăng cao hơn nên tôi quyết định chế biến ra bột gạo lứt huyết rồng. Sau khi đưa sản phẩm ra thị trường thì thấy thị trường chấp nhận”.

Lúa Huyết rồng sau thu hoạch được kiểm tra chất lượng, đảm bảo an toàn, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới được cựu chiến binh Lê Văn Đấu đưa vào nhà máy xay xát và chế biến ra gạo lứt Huyết rồng và bột gạo Huyết rồng thành phẩm. Lúc đầu, ông Đấu chỉ làm để ăn trong gia đình và bán lẻ cho bà con chòm xóm ăn thử… Được nhiều người tiêu dùng khen ngon nên cuối năm 2017, ông Đấu mạnh dạn sản xuất sản phẩm và đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên “Gạo lứt huyết rồng Năm Đấu” và “Bột gạo huyết rồng Năm Đấu”. Sản phẩm làm ra được đóng gói mỗi loại 500gram và dán nhãn đẹp mắt... Giá bán cũng phù hợp (30.000 đồng/gói) nên được người tiêu dùng ưa chuộng và mua nhiều

Từ hai sản phẩm này, mỗi tháng ông Đấu đạt doanh thu từ 100 - 150 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, sản phẩm độc đáo nêu trên của ông Đấu sản xuất ra không kịp cung ứng cho người tiêu dùng. Ông Đấu đang tiếp tục đầu tư vốn mở thêm nhà xưởng, trang bị thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng đủ sản phẩm cho người tiêu dùng.

Không chỉ sản xuất thành công từ sản phẩm “Gạo lứt huyết rồng” và “Bột gạo huyết rồng”, cựu chiến binh Lê Văn Đấu còn tự canh tác các loại đậu trên diện tích đất nhà để chế biến và bán các sản phẩm từ tài nguyên bản địa mang thương hiệu Năm Đấu như: Bột đậu đen lòng xanh và Bột của năm loại đậu… đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Với những thành công của mình, ông Lê Văn Đấu đã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Tam Nông trao tặng Giấy khen Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tại hội nghị vinh danh các nông dân tiêu biểu năm 2018 đầu tiên của huyện Tam Nông và được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen tại Đại hội Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Đồng Tháp lần thứ I (2019 - 2024)

Trần Trọng Trung

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất