Thứ Năm, 25/4/2024
Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới ở Lương Tài

Xuyên suốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chương trình xây dựng NTM ở huyện Lương Tài  không chỉ là câu chuyện của xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình, nâng cao thu nhập... mà còn là hành trình bền bỉ, nhằm khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và trong từng thôn xóm của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.

Xây dựng tiêu chí văn hóa làm trọng tâm

Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM chỉ có hai tiêu chí về văn hóa nhưng các tiêu chí này gần như bao hàm hết các tiêu chí còn lại. Bởi xét đến cùng, các tiêu chí xây dựng NTM muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó chính là nếp sống văn hóa. Xác định việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới chính là kế thừa, phát huy và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với những quy định, tiêu chuẩn phù hợp nên những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Lương Tài ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.


 Thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư, nâng cấp góp phần đẩy mạnh hoạt động TDTT
trong các tầng lớp nhân dân huyện Lương Tài
 
(trong ảnh: Sân vận động khu phố Phượng Trì, thị trấn Thứa)


Tiêu biểu như tại thôn Ngọc Trì, xã Bình Định, những năm gần đây, đời sống kinh tế của các hộ dân phát triển khấm khá hơn hẳn song nếp sống mộc mạc, chân thành cùng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng vẫn luôn được gìn giữ. Không gian yên bình, xanh mát của hồ nước, bóng cây cổ thụ vẫn được người dân trân trọng bảo vệ. Hệ thống thiết chế văn hoá như đình, đền, chùa, lễ hội cũng được tu bổ, tôn tạo song hành cùng các công trình văn hóa mới. Ông Vũ Quang Bình, Trưởng thôn Ngọc Trì tâm sự: Nếu xét về cơ sở vật chất thì có lẽ làng tôi sẽ về đích NTM muộn hơn so với các địa phương khác song văn hóa nông thôn mới không chỉ là các thiết chế cơ sở như nhà văn hóa, tủ sách, sân vận động… mà cốt lõi và quan trọng chính là phát huy bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của quê hương, làng xóm.

Với phương châm xây dựng tiêu chí văn hóa làm trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, năm 2018, toàn huyện Lương Tài đã thực hiện được 28.173/31.200 hộ đạt Gia đình văn hóa, tương đương 90,3% so với tổng số. Có 102/102 thôn đăng ký xây dựng Làng văn hóa, kết quả bình xét 95 thôn được công nhận (đạt 93,1%), trong đó, có 3 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa 9 năm liên tục trở lên, 10 thôn đạt danh hiệu 6 năm liên tục, 19 thôn đạt danh hiệu 3 năm liên tục. Thông qua phong trào, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cũng như sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm ở từng khu dân cư được khơi dậy và vun đắp. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái. Sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số gia đình và trẻ em được chăm lo, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Những hủ tục trong việc hiếu, hỉ dần xóa bỏ, hoạt động mê tín dị đoan được đẩy lùi, người dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, văn minh trong tổ chức tang ma, cưới hỏi...

Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới

Tinh thần đoàn kết, gắn bó là nét đẹp truyền thống của các làng, xã của huyện từ xa xưa. Trong thực hiện chương trình xây dựng NTM hiện nay, tình đoàn kết lại càng được phát huy cao hơn khi mọi người, mọi nhà đều đồng lòng, góp sức, góp công cùng làm cho làng quê tươi đẹp. Đơn giản, dễ nhận thấy nhất là xã nào, làng nào, thôn nào cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng lành mạnh, góp phần tăng sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó giữa người dân, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của quê hương. Đến nay, Lương Tài hoàn thành tiêu chí văn hóa nông thôn mới, 13/13 xã của huyện Lương Tài đạt tiêu chí số 16 về văn hóa và tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Các xã đều có điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi tại trường học hoặc tại sân thể thao của xã và các thôn. 100% thôn làng có điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng. Hầu hết các điểm sinh hoạt văn hóa đều được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như: bàn ghế, âm thanh loa đài, sân khấu… phục vụ nhu cầu của nhân dân. Trong huyện có 25 CLB văn hóa văn nghệ và 81 đội văn nghệ, trong đó 39 đội thường xuyên hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lương Tài cho biết: “Bây giờ, các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT ở thôn xóm nhộn nhịp lắm, nhất là vào buổi chiều. Cứ sau giờ tan học, tan làm là nhà văn hóa, sân vận động của các thôn, làng lại đông đúc, sôi nổi. Người cao tuổi thì tập tâm năng dưỡng sinh, chơi bóng chuyền hơi còn thanh niên, trẻ em đá bóng, đánh cầu lông...”

Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng và bê tông hóa đường liên thôn, liên xã, Lương Tài cũng luôn chú ý thực hiện hài hòa giữa cái cũ và cái mới để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của mỗi làng quê. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trong huyện thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái, vận động nhân dân xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, cải tạo các ao làng, trồng cây xanh ở các trục đường, tăng thêm màu xanh, bóng mát cho xóm làng, bảo vệ môi trường sống của người dân. Riêng trong năm 2018, huyện Lương Tài trồng được 53.127 cây xanh các loại.

Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện Lương Tài tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa. Tập trung quan tâm xây dựng và phát huy vai trò trụ cột của đội ngũ làm công tác tư tưởng văn hóa, giáo dục trong nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, đồng thời duy trì quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa bảo đảm thiết thực, tiết kiệm và an toàn; quản lý di tích lịch sử, văn hóa, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa; bâng cao chất lượng hoạt động của làng, xã, cơ quan văn hóa.../.

Việt Thắng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất