Thứ Năm, 19/12/2024
Tây Ninh phấn đấu đến mục tiêu năm 2020 không còn hộ nghèo trung ương

 Nhờ vay vốn, nhiều hộ nghèo đã mở được trang trại.   (Trong ảnh: Trang trại nuôi cá của một hộ nghèo ở Tây Ninh)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thay đổi cách thức tiếp cận về các phương pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2020. Các địa phương cần quan tâm, thay đổi cách tiếp cận trong việc rà soát, cập nhật sự biến động của các hộ nghèo, đánh giá đúng nhu cầu, điều kiện thực trạng của hộ nghèo để có giải pháp cụ thể giúp đỡ từng hộ; trong đó phương án tối ưu là vận động mỗi doanh nghiệp nhận đỡ đầu cho một hộ nghèo, qua đó tạo công ăn việc làm ổn định, giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Mặc khác, mỗi địa phương cần xây dựng phương án trợ giúp cụ thể cho từng gia đình, tùy theo nhu cầu như hỗ trợ về giống chăn nuôi, vốn buôn bán nhỏ hay cho mượn đất sản xuất để hộ nghèo tự sản xuất, buôn bán ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Riêng đối với những hộ thuộc diện nghèo vĩnh viễn, tỉnh Tây Ninh chủ trương chuyển sang cho hưởng trợ cấp xã hội để ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Tây Ninh, Dương Văn Thắng cho biết, từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu với tổng dư nợ là 68,7 tỷ đồng, đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh Tây Ninh đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thành phố ủy thác với tổng dư nợ đến nay đạt 2.345 tỷ đồng, tăng 2.276 tỷ đồng và tăng gấp 33,13 lần so với năm 2002, với 108.584 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 21,6 triệu đồng/hộ. 

Theo ông Dương Văn Thắng, đặc biệt từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Tây Ninh đã chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy trực thuộc, UBMTTQ và các sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức quán triệt nội dung của chỉ thị.

Kết quả, đến hết tháng 6/2019 tổng số vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 173,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 154,7 tỷ đồng, vốn ngân sách các huyện, thành phố là 18,4 tỷ đồng.

Qua ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã giảm được 5.158 hộ nghèo và 6.881 hộ cận nghèo. Đến năm 2020, Tây Ninh sẽ phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt từ 50 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm còn 1,3%.

Hải Việt

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất