Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) vừa giải quyết việc làm vừa nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện để người lao động tích cực tham gia XKLĐ.
|
Nhiều lao động miền núi đã vượt khó vươn lên, tham gia lớp học tiếng để XKLĐ
|
Nhận thức rõ vai trò của công tác XKLĐ đối với công tác giảm nghèo, Ban chỉ đạo XKLĐ xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn, làng để có những giải pháp cụ thể tuyên truyền, định hướng, khuyến khích người dân tham gia XKLĐ. Để công tác XKLĐ đạt được kết quả, xã xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời thành lập ban chỉ đạo công tác XKLĐ, phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo dõi, đôn đốc các thôn, làng điều tra, rà soát, lập danh sách dự báo nguồn lao động và số lao động có nhu cầu đi XKLĐ để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ và đào tạo nghề bổ sung cho nguồn lao động xuất khẩu; đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các thôn, làng tuyển dụng những lao động có nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu công việc.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện theo dõi, nắm bắt thông tin thường xuyên của người lao động làm việc ở nước ngoài, cũng như liên lạc với gia đình và đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm tạo sự gắn bó, trách nhiệm trong phối hợp giải quyết các vấn đề khó khăn về thủ tục pháp lý, cũng như những sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Đặc biệt, ban chỉ đạo XKLĐ xã luôn chú trọng trong việc lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín về địa phương để tư vấn, tuyển dụng lao động... Từ công tác tuyên truyền, chỉ đạo, một số thôn, làng trên địa bàn đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp được giới thiệu về địa phương rà soát các đối tượng có nhu cầu đi XKLĐ nằm trong độ tuổi, sau đó tổ chức tư vấn tuyên truyền tại thôn, bản, gia đình, thu hút đông đảo người lao động tham gia, trong đó tiêu biểu như: Thôn 2, 3, thôn Sổ, thôn Xăm, thôn Vinh...
Ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cùng với việc thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng đặc thù cho các huyện nghèo để đẩy mạnh công tác XKLĐ, xã đã lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín để thực hiện đưa lao động đi làm việc tại các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đu-bai, Nga... cho những lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trình độ văn hóa thấp có điều kiện tham gia. Nhờ đó, đến nay xã Cẩm Bình đã có trên 1.000 lao động đang ở nước ngoài, riêng năm 2018 xã đã có trên 100 lao động đi xuất khẩu. Nhìn chung số lao động tham gia đi XKLĐ ở các nước đều có việc làm và thu nhập ổn định.
Để giải quyết việc làm cho người lao động, cùng với chỉ đạo giải quyết việc làm tại chỗ như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, mở rộng diện tích rau màu lên 5 ha trồng quanh năm; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề hàn xì, xây dựng, đan lát, làm hương, xã Quảng Yên (Quảng Xương) tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu để người lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài. Đặc biệt xã đã tập trung vận động, tư vấn cho số lao động trẻ tuổi, nhàn rỗi tích cực đăng ký đi XKLĐ. Mặt khác, xã chọn các gương điển hình đi XKLĐ có việc làm, thu nhập cao thường xuyên gửi tiền về cho gia đình để nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả. Do đó số người tham gia XKLĐ ngày một tăng. Nếu như năm 2016, xã có 20 người đi XKLĐ, năm 2017 có 29 người đi XKLĐ thì năm 2018 có 31 người đi XKLĐ. Toàn xã hiện có 197 người đang làm việc ở nước ngoài. Thị trường chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Nhờ làm tốt công tác XKLĐ nên Quảng Yên luôn được huyện đánh giá là một trong những xã đi đầu trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên cho biết: XKLĐ không chỉ giúp lao động nông thôn có cơ hội việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giảm nghèo bền vững mà còn là hướng đi giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rèn luyện kỹ năng và tác phong lao động công nghiệp. Nhiều gia đình có con em đi XKLĐ không những thoát nghèo, có cuộc sống khá hơn các hộ khác trong xã mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Điều đáng ghi nhận ở những gia đình có người đi XKLĐ nữa là họ đã góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt làng quê, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,5% năm 2014 xuống còn 2,8% năm 2018, thu nhập bình quân đầu người từ 27 triệu đồng tăng lên 39 triệu đồng/người/năm. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2019 xã phấn đấu tư vấn, giới thiệu việc làm cho 250 lao động trong nước và đưa được 70 người đi XKLĐ. Để đạt mục tiêu, xã tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, con em gia đình chính sách và số lao động nhàn rỗi trên địa bàn tham gia XKLĐ...
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH, 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã đưa được 2.760 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2018, riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 1.068 lao động xuất cảnh. Một số huyện có số người đi XKLĐ đạt cao là Thạch Thành 216 người, Cẩm Thủy 170 người, Ngọc Lặc 153 người, Như Xuân 120 người, Bá Thước 101 người.
Ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm Sở LĐTB&XH, cho biết: Nếu một số huyện như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa trước đây không có người đi tham gia XKLĐ thì trong 6 tháng năm 2019 Mường Lát có 18 người tham gia, Quan Sơn 32 người, Quan Hóa 26 người, Lang Chánh 32 người... Nhiều gia đình nghèo có người đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương. Hiện 11 huyện miền núi có trên 200 người đăng ký học tiếng Hàn; hơn 40 người đã thi đỗ tiếng Hàn đang chờ xuất cảnh và hàng trăm lao động khác đang tham gia các lớp học nghề để đáp ứng thị trường yêu cầu có trình độ, tay nghề.
Những con số ấn tượng trên đã góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Như Xuân là 43,39% thì đến năm 2018 giảm xuống còn 14,92%; huyện Bá Thước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 55,24% nay giảm còn 13,31%; huyện Ngọc Lặc năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 18,28% nay giảm còn 8,02%...
Mai Phương