Chủ Nhật, 19/1/2025
Mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực kinh tế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững ở Giai Xuân

Xuất phát từ thực trạng đất rộng, người đông, nguồn lực lao động dồi dào trong khi trình độ, kĩ năng lao động của nhân dân có mặt còn hạn chế, thu nhập trong sản xuất, kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng. Với trăn trở đó, cấp ủy, chính quyền xác định nhiệm vụ "xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, vươn lên làm giàu bền vững" là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc tích cực của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2014 đến nay, toàn xã Giai Xuân xây dựng được gần 50 mô hình kinh tế có mức thu nhập từ 250 - 500 triệu đồng/năm, trong đó một số mô hình điển hình như: trang trại tổng hợp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả, cây thanh long ruột đỏ; chăn nuôi bò Thái, bò thương phẩm ở xa khu dân cư ...


 Nhóm mô hình dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất
để sản xuất mía tập trung theo chuỗi giá trị tại xã Giai Xuân (Tân Kỳ, Nghệ An)

Trong các mô hình điển hình nêu trên thì có gần 90% số mô hình là của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc xây dựng mô hình của gia đình, cấp ủy, chính quyền đã bám sát các nghị quyết, chương trình của cấp ủy huyện để tập trung xây dựng 4 nhóm mô hình, đó là: dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để sản xuất mía tập trung theo chuỗi giá trị tại 4 xóm, diện tích trên 180 ha, cho năng suất mía bình quân 85 tấn/ha, điển hình trên 110 tấn/ha, tăng bình quân 25 tấn/ha; sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến SRI với diện tích 35 ha, năng suất lúa bình quân 80 tạ/ha, tăng so với bình quân chung của xã 25 tạ/ha; trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao;  chăn nuôi xa khu dân cư, đảm bảo môi trường. Xác định rõ 4 nhóm mô hình, cấp ủy, chính quyền đã có kế hoạch hỗ trợ phù hợp về vốn, kĩ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm, các mô hình phát triển kinh tế bước đầu cho hiệu quả tốt, dễ vận động nhân rộng trong nhân dân. Trên địa bàn xã đến nay có 4 trang trại, phấn đấu trong năm 2019 có thêm 1-2 trang trại mới.

Từ những kết quả đó mà tỷ lệ hộ giàu các cấp tăng từ 322 hộ (năm 2015) lên 445 hộ, tăng 0,7% (đến cuối năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,5% (năm 2015) xuống còn 5,13% (năm 2019); đặc biệt có nhiều hộ thoát nghèo bền vững và đã vươn lên phát triển kinh tế, tăng hộ giàu ngày càng nhiều. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã Giai Xuân có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền cần bám sát mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, trên cơ sở đó hàng năm chủ động xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình điển hình, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ...

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu sâu sắc được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua đó trang bị cho người dân tính tự tin, tự trọng, tự giác, dám nghĩ, dám làm, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, vượt khó vươn lên chính mình. Muốn làm được điều đó, cán bộ phải sâu sát, kiên trì, khéo léo, biết động viên chia sẻ và phải là những người có lý luận và kinh nghiệm thực tế để bám sát nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác dân tộc, miền núi nói riêng, để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Kịp thời động viên, khích lệ, biểu dương, lấy nơi tốt, cách làm hay của những người làm trước để nhân rộng, làm bài học tạo ra những mô hình lan tỏa, tạo động lực cho người làm sau.

Thứ ba, vận dụng có hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như Chương trình 135/1998/QĐ-TTg, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi... Đồng thời thực hiện có hiệu quả, công khai, dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, thực sự tạo được sự đồng thuận của nhân dân và động lực khuyến khích được đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, tranh thủ các chương trình tín dụng, nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hội của các tổ chức chính trị - xã hội, phường hội của cán bộ, hội viên và cộng đồng giúp nhau phát triển kinh tế. Thực hiện tốt công tác quản lý nhằm phát huy được hiệu quả và không để thất thoát mất lòng tin.

Thứ năm, quan tâm hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật, khoa học công nghệ, đào tạo nghề, nâng cao kiến thức mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số, cả về mặt chủ trương, biện pháp, thủ tục, cơ chế, chính sách, tiếp cận pháp luật, tiếp cận thị trường. Đồng thời phải gắn kết được vai trò của 4 nhà: nhà nước - nhà nông – nhà khoa học - nhà đầu tư và tiêu thụ sản phẩm./.

Trần Thị Thanh Hà, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất