Thứ Năm, 19/12/2024
Hà Nội không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở

 


Tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, trong giai đoạn 2016-2018, toàn thành phố đã giảm được gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16% vào thời điểm cuối năm 2018, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, đến thời điểm này, Hà Nội có 5 quận là: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Thanh Xuân không còn hộ nghèo.

Thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, toàn thành phố có 4.166 hộ nghèo được cải thiện nhà ở trong năm 2018, đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Đa số hộ được hỗ trợ về nhà ở đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Trong 3 năm, ngân sách Thành phố đã bố trí trên 6.380 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó 2.494 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay các chương trình: giải quyết việc làm, vay sản xuất kinh doanh, dịch vụ,...; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm; các giải pháp giảm nghèo đa chiều như hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí với kinh phí trên 553 tỷ đồng; miễn giảm học phí, tặng học bổng…

Trên địa bàn thành phố đã có nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, điển hình như: Mô hình vay vốn tín dụng ưu đãi để chăn nuôi (bò, gia cầm...) ở khu vực nông thôn, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, cửa hàng ăn uống, sửa chữa xe máy, dịch vụ giặt là... ở khu vực nội thành; Mô hình vận động trợ giúp nuôi dưỡng hàng tháng đối với các hộ nghèo cao tuổi, đơn thân; tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo, tạo điều kiện hỗ trợ, bố trí địa điểm kinh doanh; trợ giúp mua phương tiện giải quyết việc làm cho hộ nghèo (mua xe máy, máy khâu, máy ép nước mía….) cho thành viên thuộc hộ nghèo… của quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình; Mô hình “Chung tay hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ có 1 nhân khẩu” (mỗi tổ chức, doanh nghiệp gắn với hỗ trợ 1 hộ nghèo cụ thể) của quận Long Biên; Mô hình chăn nuôi bò ở 1 số huyện ngoại thành;…

Bên cạnh đó, các hoạt động chung tay vì người nghèo của Thành phố đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, tăng cường tinh thần đoàn kết nhằm chung tay chăm lo để nâng cao đời sống nhân dân.

Ngoài ra, Hà Nội đã dành hơn 3.515 tỷ đồng chi trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện nghèo, cận nghèo; tặng quà Tết cho người nghèo, đối tượng yếu thế…

Chia sẻ về kinh nghiệm giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018, quận Thanh Xuân dành nguồn ngân sách hơn 20,3 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm. Ngoài ra, quận còn vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ công cụ, phương tiện sản xuất như máy khâu, máy vắt sổ, máy ép nước mía… cho các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc còn khả năng lao động để họ tự làm việc, vươn lên thoát nghèo. Một số hộ có nhu cầu bán hàng được quận Thanh Xuân bố trí cho địa điểm bán hàng cố định… Thông qua các giải pháp hỗ trợ trực tiếp, quận Thanh Xuân đã giảm được 162 hộ nghèo trong 3 năm, hiện không còn hộ nghèo. 

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho hay, toàn huyện có 270 hộ nghèo có nhà mới khang trang trong năm 2018 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng. Đa số gia đình nhận được sự hỗ trợ về nhà ở đã thoát nghèo vào cuối năm 2018. Những hộ nghèo có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở phát sinh trong năm 2019 và những năm tiếp theo vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, bảo đảm không để người dân nào phải sống trong những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc thực hiện các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội để chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2019, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung  yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo. Vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật; không trông chờ ỷ lại, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở cần phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các chính sách, kế hoạch giảm nghèo tại các địa phương; tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ địa phương, cộng đồng và các hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Các giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cần được thực hiện song song, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Minh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất