Thứ Hai, 18/11/2024
"Điểm tựa" thoát nghèo cho người dân Gia Lai

Là một kênh vốn quan trọng thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát huy tối đa vai trò “bà đỡ” cho bà con ở các vùng đặc biệt khó khăn, là đòn bẩy kinh tế hỗ trợ bà con phát triển sản xuất để từng bước nâng cao đời sống vật chất - tinh thần, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, sớm hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để tạo lập nguồn vốn, mở rộng cho vay trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho 222.964 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền 6.131 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.452 tỷ đồng, tăng 1.651 tỷ đồng so với cuối năm 2014 (tỷ lệ tăng bình quân hàng năm 11,78%). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 178,4 tỷ đồng, tăng 148,4 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội tại Gia Lai đã quan tâm hơn với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và phối hợp thực hiện. Hiện tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có điểm giao dịch; các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 3.443 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, làng... Điều này góp phần công khai chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn cũng như quy trình, thủ tục giải ngân.

Riêng 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai tham gia quản lý trên 139.000 hộ vay vốn với số tiền 4.438 tỷ đồng - chiếm 99,94% tổng dư nợ.

Tín dụng chính sách đã trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cụ thể, giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 13,96% còn 11,36%; giai đoạn 2016-2018 giảm từ 19,71% xuống còn 10,04% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đến nay, có 60 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên; hoạt động tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã khẳng định là một công cụ hữu hiệu của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực trong việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Theo đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, để phát huy kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng đến đối tượng thụ hưởng. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên gắn với chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong hơn 15 năm qua, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 4/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác từ địa phương, chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ... nhằm tạo điều kiện, mang lại lợi ích thiết thực cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Vĩnh Khang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất