Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo điều kiện cho các sản phẩm quy mô cấp huyện, xã nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã bao bì và tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và hướng đến xuất khẩu. Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP, thì nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch được xem là quan trọng và là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm bản địa hiệu quả; tăng thu nhập, góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững.
|
Du khách tham quan cửa hàng giới thiệu sản phẩm dược liệu trong Chương trình OCOP tại thôn Nặm Đăm |
Với những lợi thế sẵn có về phát triển du lịch cộng đồng, như có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn và được Tổng thư ký ASEAN, Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên chứng nhận danh hiệu “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN”… huyện Quản Bạ đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng Làng VHDLCĐ Nặm Đăm đạt chuẩn “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN”; với 35 hộ dân trong thôn đăng ký tham gia; xây dựng Nặm Đăm trở thành địa điểm, sản phẩm du lịch nổi tiếng. Theo lãnh đạo huyện Quản Bạ, địa phương đang tích cực cùng Văn phòng Xây dựng Nông thôn mới Trung ương và tỉnh xây dựng Làng VHDLCĐ Nặm Đăm thành sản phẩm OCOP Quốc gia. Trong đó, có sự đầu tư các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để hỗ trợ các hộ dân làm nhà homestay, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Hiện nay, các homestay trong thôn đã và đang thu hút lượng khách đến ở và sử dụng các dịch vụ ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ưu thế sẵn có của địa phương là dược liệu và các bài thuốc dân gian của dân tộc Dao cũng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ HTX sản xuất sản phẩm có tem nhãn, bao bì đa dạng; khâu quảng bá sản phẩm được chú trọng và lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP của huyện. Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm, Lý Tà Dèn, chia sẻ: “Hàng năm, HTX tiếp đón hàng trăm lượt khách đến tham quan cửa hàng trưng bày sản phẩm dược liệu và tắm lá thuốc dân tộc Dao. Các sản phẩm của HTX rất đa dạng, gồm: Bài thuốc chữa xương khớp, cao dược liệu ngâm chân, cao Atiso, trà gừng, mật ong, thuốc trị viêm xoang… Nguyên liệu đều được trồng và khai thác tại rừng trong thôn, sản phẩm được chế biến đảm bảo về chất lượng. Ngoài ra, chúng tôi đã gửi bán sản phẩm tại các cửa hàng ở Hà Nội; doanh thu từ đầu năm đến nay đạt khoảng 600 triệu đồng, tạo thêm thu nhập cho các thành viên trong HTX”. Với số lượng các sản phẩm du lịch và quà lưu niệm còn hạn chế như hiện nay, thì việc phát triển các sản phẩm dược liệu để bán và quảng bá đến du khách đang làm tăng thêm số lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch.
Thực hiện giải pháp kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn; chính quyền xã Quản Bạ đã tổ chức các lễ hội để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, như: Lễ hội bắt cá của dân tộc Dao... Theo lãnh đạo địa phương, đây là một chương trình với tư duy mới, nên khi triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Tuy nhiên, chính quyền huyện đã hỗ trợ các sản phẩm bước đầu để có sự hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, quảng bá cũng như xây dựng thương hiệu. Đồng thời, yêu cầu hàng hóa làm ra phải có xuất xứ rõ ràng, thậm chí phải gắn cho sản phẩm những giá trị văn hóa, ý nghĩa nhân văn để thu hút khách hàng. Từ đó, phát triển các loại hình du lịch; trong đó, có du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Lê Hải