Thứ Năm, 9/5/2024
Phụ nữ Bình Phước giúp nhau thoát nghèo bằng những mô hình hiệu quả

Mô hình “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đã và đang được các cơ sở hội triển khai dưới nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ, từng địa bàn, đơn vị. Có nhiều loại hình tiết kiệm như “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, tiết kiệm 5.000 đồng vì phụ nữ nghèo, tiết kiệm 1 ngày lương, tổ tín dụng tiết kiệm, tổ xoay vòng vốn, tổ tương trợ vốn, hỗ trợ bằng hiện vật, tiết kiệm qua các nguồn vốn vay. Từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm hội phát vay trên 418 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các nguồn vốn do hội quản lý trên 862 tỷ đồng giúp gần 50 ngàn lượt hộ vay, có 7.669/9.481 hộ hội viên, phụ nữ nghèo được hội giúp đỡ, trong đó 3.734 hộ phụ nữ làm chủ hộ. Năm 2018, hoạt động tiết kiệm được phát động đồng loạt trong phụ nữ toàn tỉnh “Trao yêu thương, nhận nụ cười” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua Ái quốc. Từ số tiền tiết kiệm trên 2 tỷ đồng, các cấp hội đã trao tặng phương tiện sinh kế cho trên 300 chị, giúp các chị có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cùng với các mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững ở cơ sở, việc phát huy các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Đông Á thì vốn xoay vòng giúp nhau giảm nghèo là giải pháp hiệu quả trong những năm qua. Dù nguồn vốn còn khiêm tốn, số phụ nữ nghèo được tiếp cận vốn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng với cách làm hiện tại, hội phụ nữ các cấp đã từng bước giải quyết nhu cầu tài chính nhỏ, phù hợp đặc điểm đa số phụ nữ nghèo nông thôn, giúp các chị hạn chế nguy cơ sa vào “tín dụng đen”, vay nặng lãi, phát triển các mô hình sản xuất nhỏ phù hợp để phụ nữ nghèo tham gia ở các địa phương...

Thời gian gần đây, hội phụ nữ các cấp còn vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị tại địa phương, khuyến khích phụ nữ mạnh dạn sản xuất, kinh doanh vươn lên khá, giàu và tạo việc làm cho phụ nữ nghèo; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất; chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Đến nay, hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ thành lập hơn 180 mô hình với trên 3.000 thành viên tham gia, trong đó có 3 hợp tác xã, 33 tổ hợp tác và hơn 150 tổ phụ nữ liên kết sản xuất. Các mô hình hoạt động hiệu quả chủ yếu trong lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, thương mại - dịch vụ.

Để hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo, thời gian qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã chủ động rà soát, nắm địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định rõ nguyên nhân nghèo, phân công cán bộ, hội viên có biện pháp vận động giúp đỡ theo địa bàn khu dân cư. Đồng thời hướng dẫn các hộ hội viên nghèo trồng trọt, chăn nuôi phù hợp điều kiện thực tế, sử dụng vốn vay đúng mục đích và phân công lao động hợp lý để vươn lên thoát nghèo.

Gần 5 năm qua, hội viên phụ nữ toàn tỉnh đã góp gần 147 tỷ đồng; hơn 100 ngàn lượt phụ nữ tham gia giúp hơn 20 ngàn lượt chị em nghèo. Cụ thể, hằng năm, các cấp hội huy động giúp từ 250-300 hộ phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo và hàng trăm hộ phụ nữ được trao tặng “mái ấm tình thương”, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, phương tiện sinh kế như bò, dê giống, máy may, xe bán nước mía... Nhiều mô hình, điển hình, cách làm hay như “Phụ nữ tự giúp nhau”, “Chi hội khá giúp chi hội khó”, “Chi hội người Kinh giúp chi hội người dân tộc thiểu số” góp phần tích cực giảm nghèo bền vững tại các địa bàn. Ngoài ra, hằng năm các cấp hội còn phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhất là các mô hình tạo việc làm phù hợp tại địa phương cho phụ nữ, ưu tiên những đối tượng vay vốn từ các nguồn do hội quản lý, phụ nữ khu vực chuyển đổi đất nông nghiệp, bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phụ nữ có nguy cơ mất việc làm ở khu công nghiệp...

Phương Dung

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất