Những năm qua, công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực, đã phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc nội dung này, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, góp phần vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
|
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ký kết
Kế hoạch phối hợp thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019
|
Để triển khai thực hiện Chương trình này, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chủ động bám sát Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, XIX đã đề ra, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Trong 10 năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành 04 đề án về công tác dân vận: Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng bộ giai đoạn 2010 – 2015 và 2016 – 2020 và Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2010 – 2015 và 2016 – 2019; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hàng chục nghị quyết, chỉ thị và các văn bản liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng bộ. Qua đó, đã có tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa…
|
Tổ dân vận khéo Tổ dân phố 9, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên
trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận
|
Cùng với đó, Ban cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo hướng dẫn hệ thống Dân vận trong tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với các ngành triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Tăng cường các hoạt động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, phát động nhiều phong trào thi đua gắn với phong trào thi đua dân vận khéo, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 6.000 mô hình “dân vận khéo”, trên 3.000 tổ dân vận, mang lại hiệu quả thiết thực cho thực hiện từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia.
Qua quá trình 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy rút ra một số bài học kinh nghiệm như: tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về xây dựng nông thôn mới; công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó hệ thống dân vận và cán bộ phụ trách công tác dân vận đóng vai trò tham mưu; phát huy vai trò của công tác dân vận trong hệ thống chính trị, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn với kiểm tra, đôn đốc cán bộ trong thực thi công vụ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích; việc chọn địa phương để làm điểm của từng năm để chỉ đạo công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, cần làm rõ những nội dung công tác vận động quần chúng là gì? Đồng thời, định kỳ tiến hành sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng cho những năm tiếp theo./.
Quỳnh Châu