Chủ Nhật, 17/11/2024
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị ở Tam Điệp

 Thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình

Phong trào “Dân vận khéo” đã khơi dậy niềm tin cho tầng lớp nhân dân trong việc cùng nhau chung sức xây dựng NTM. Không chỉ góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, phong trào này còn giúp địa phương dễ dàng “khơi thông rào cản” những tiêu chí khó để tiếp tục hành trình hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. “Xác định rõ công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định thành công cho sự phát triển chung của thành phố, những năm qua, Tam Điệp luôn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp mọi cán bộ, người dân đều hiểu được nội dung, mục đích, ý nghĩa, lợi ích của NTM. Từ đó tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng NTM”. Đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình cho biết.

Bước vào xây dựng NTM từ một xã miền núi với khó khăn với chỉ 5/19 tiêu chí đạt, đến nay, diện mạo xã Quang Sơn đã có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%. Hình ảnh những con đường lầy lội từng là nỗi ám ảnh của nhiều người giờ đã được thay bằng những tuyến đường liên xã, liên thôn sạch đẹp, bao quanh bởi những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Có được kết quả đó là nhờ những nỗ lực không ngừng của cán bộ Đảng viên và người dân toàn xã, trong đó phải kể đến sức mạnh từ phong trào “Dân vận khéo”. Năm 2016, Quang Sơn đã vinh dự được công nhận đạt chuẩn NTM, và đến năm 2017, xã lại vinh dự được lựa chọn để triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Những kết quả ban đầu từ chương trình xây dựng NTM đã củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đến nay, Tân Thượng đã đạt 4/10 tiêu chí của khu dân cư kiểu mẫu, 6 tiêu chí còn lại thì có 14/22 tiểu tiêu chí đã đạt, 8/22 tiểu tiêu chí đang tiếp tục hoàn thiện”.

Song song với thôn Tân Thượng, phong trào xây dựng NTM thời gian qua ở các thôn, xã trên địa bàn thành phố Tam Điệp vẫn diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng NTM của thành phố trên 1.174 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhân dân đóng góp chiếm trên 16%. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu vực nông thôn, những con đường tiếp tục được bê tông hóa, các công trình thủy lợi thêm kiên cố và nhiều mô hình dân vận khéo tiếp tục được triển khai, nhân rộng… Trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn thành phố có 145 mô hình dân vận khéo đăng ký thực hiện, trong đó có 90 mô hình đang và đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo thành phố Tam Điệp đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được cải thiện, chất lượng đời sống khu vực nông thôn ngày một nâng cao. Đặc biệt, sau khi được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí; đồng thời, duy trì việc xây dựng NTM nâng cao gắn với phát triển đô thị bền vững.

Xác định mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho nhân dân, bên cạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, Tam Điệp đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như dứa, lạc tiên, ngô ngọt, dược liệu… Đến nay, thành phố đã hình thành được 45 trang trại và 112 gia trại, doanh thu bình quân hàng năm đạt 1,1 tỷ đồng; đồng thời, duy trì tốt 10 làng nghề trồng đào phai với tổng diện tích trồng đào là trên 170ha, giá trị 190 triệu đồng/ha. Nhờ những cách làm cụ thể, bài bản, đến nay, thu nhập bình quân toàn thành phố đạt 48,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của các xã giảm xuống còn 0,85%.

Không chỉ dừng lại ở đạt chuẩn NTM mà tiếp tục duy trì chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM ở các xã theo hướng văn minh đô thị; cải thiện chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Từ đó, phát triển hài hòa, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và đô thị, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng quá trình xây dựng NTM ở Tam Điệp còn đối diện với không ít khó khăn như: Việc đô thị hóa làm thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp; đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; xuất hiện nhiều vấn đề về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển đô thị; biến đổi khí hậu khó lường dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp… Điều này đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp triển khai cụ thể nhằm bảo đảm hiệu quả việc thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thành Tôn cho biết:  Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện đồng thời các việc triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, từng bước hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; tạo quỹ đất thu hút đầu tư của doanh nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất rau sạch, vùng trồng cây ăn quả, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, theo hướng nông nghiệp đô thị, tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường…, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh./.

Tâm Bình

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất