Với đặc thù của tỉnh miền núi, hải đảo, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống không tập trung, điều kiện sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh có 22 xã, 154 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Thế nhưng nhờ thực hiện tốt Chương trình 135, mà đến nay hầu hết các thôn bản đặc biệt khó khăn của Quảng Ninh đã ra khỏi diện này. Dự kiến đến hết năm 2019, Quảng Ninh sẽ không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn và về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
|
Chăn nuôi bò sinh sản - một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả ở thôn Trung Sơn, xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà |
Từ năm 2017 - 2019, Quảng Ninh đã chi ngân sách thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 lên tới 1.903 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư hỗ trợ hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đến hết năm 2018 đạt 22,16 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,74 lần so với năm 2015. Tính đến tháng 10 năm 2019, các xã đặc biệt khó khăn đều đã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã, các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng trên 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác, 92,8% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trường học và trạm y tế đã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Từ năm 2016 - 2018, trung bình mỗi năm Quảng Ninh giảm được 1,12% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,2%. Việc xóa nghèo ngày nay ở các xã khó khăn đã thuận lợi hơn, người nghèo đã tìm cách ra khỏi hộ nghèo và nhiều người đã tự viết đơn xin ra khỏi diện này, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về thoát nghèo của cộng đồng một cách toàn diện.
Thành Công