(Danvan.vn) Câu chuyện bà La Thị Nguyệt - người dân tộc Đan Lai xin ra khỏi hộ nghèo đã trở thành hiện tượng, tạo nên một luồng sinh khí mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện núi cao biên giới Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
|
Bà La Thị Nguyệt chăm sóc đàn bò của gia đình |
Năm 2002, gia đình bà Nguyệt cùng 35 hộ dân thuộc dân tộc Đan Lai rời núi về định cư tại bản Cửa Rào, Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Tái định cư nơi ở mới, cuộc sống của gia đình bà cũng như những hộ dân khác nơi đây vẫn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Vậy nên, khi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, bà biết sẽ mất đi những quyền lợi từ các chương trình chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng bà Nguyệt lại xem đây là việc cần làm đối với một người lâu nay được ví như một “Già làng” của tộc người Đan Lai, là động lực để gia đình bà phấn đấu thoát nghèo bền vững. Bà Nguyệt trải lòng: Nhiều đêm, vợ chồng nằm suy nghĩ, bản thân mình phải cố gắng vượt ra khỏi hộ nghèo nên đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để phấn đấu làm kinh tế, để mọi người noi gương học theo gia đình mình”.
Nhờ tích cực khai hoang, mở rộng chăn nuôi nên giờ đây, gia đình bà đã có hơn chục con trâu bò, trong chuồng luôn có 4-5 con lợn. Và nếu như trước đây, trồng cây lúa nước là điều xa lạ đối với người Đan Lai, thì nay, gia đình bà Nguyệt cũng đã biết đầu tư thâm canh 3 - 4 sào lúa nước, 2 vụ mỗi năm, năng suất đạt 3,5 tạ/sào. Bà đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng: Chỉ có năng động trong lao động, chịu khó sản xuất mới thay đổi được cuộc sống như ngày hôm nay. Khi cái ăn đã được đảm bảo, bà Nguyệt bàn với chồng mua thêm máy xay xát để làm dịch vụ xay xát cho bà con thôn bản. Với phương châm lấy phục vụ bà con là chính, cộng với thái độ phục vụ chu đáo, tận tình nên máy xát của nhà bà Nguyệt luôn đông khách.
Ông Vi Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn nói: Trước đây, người dân nói chung và các hộ dân Đan Lai nói riêng muốn gia đình thuộc hộ nghèo, để hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước… Nhưng thời gian gần đây, cấp ủy Đảng đã tổ chức tuyên truyền để các hộ cố gắng vươn lên thoát nghèo. Noi gương bà La Thị Nguyệt, xã Môn Sơn đã có gần 100 hộ ở các bản Thái Hòa, Nam Sơn, Tân Sơn, Cửa Rào, Làng Xiễng, Thái Sơn… tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trong 2 năm qua, huyện Con Cuông đã nhận được hàng trăm lá đơn xin thoát nghèo của các hộ dân. Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của những người dân tộc Kinh, dân tộc Thái và cả dân tộc Đan Lai như bà Nguyệt đã tạo nên một lối tư duy, một động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội. Điều này đã khẳng định hiệu quả của công tác tuyên truyền vận động, khơi dậy ý thức thoát nghèo, năng động đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình trong đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khẳng định: Cách đây 15 năm, tháng 4/2004, Ban Chấp hành Huyện ủy Con Cuông ra Nghị quyết số 21-NQ/HU về “Khắc phục tình trạng dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Hơn 10 năm qua huyện đã xây dựng nhiều đề án để phát triển sản xuất và tích cực tuyên truyền, vận động. Những năm gần đây, việc một số hộ dân ở Thạch Ngàn, Lục Dạ, Môn Sơn, đặc biệt là lá đơn của bà La Thị Nguyệt - người dân tộc Đan Lai đầu tiên làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo là tín hiệu lạc quan, chứng tỏ kết quả giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Có thể khẳng định đây cũng là kết quả của việc triển thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện về chống tư tưởng bảo thủ trì trệ, ỷ lại trong cán bộ và nhân dân…”.
Vẫn biết rằng để tiếp tục tăng tốc, theo kịp tốc độ phát triển của vùng đồng bằng thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện miền núi biên giới Con Cuông sẽ còn phải đoàn kết vượt nhiều gian nan, thử thách. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo, điều hành đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, cùng với các dự án đầu tư của Nhà nước và đặc biệt là biết khơi dậy nội lực, ý thức tự giác vươn lên của những “hộ nghèo” như bà La Thị Nguyệt, thì chắc chắn công cuộc đổi mới phát triển, gắn với giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở đây sẽ thành công./.
Phùng Văn Mùi