Chủ Nhật, 19/1/2025
Phát huy vai trò người có uy tín trong xóa đói giảm nghèo
 
Tần Dấu Quẩy (bên trái) với mô hình trồng hồi đã đi đầu trong xóa đói, giảm nghèo ở Phiêng Pẻn

 

Hiện nay, ở nhiều thôn, bản, đời sống của bà con DTTS còn khó khăn; nhiều người vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Những người có uy tín là những người đứng ra tuyên truyền, vận động họ thực hiện nếp sống mới, thực hiện các cuộc vận động ở địa phương.

Phiêng Pẻn là xóm khó khăn của xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và Nùng. Trước đây kinh tế của người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm đến 99%. Ông Tẩn Dấu Quẩy, Người có uy tín xóm Phiêng Pẻn cho biết, khi được bầu làm Người có uy tín của xóm, ông Tẩn Dấu Quẩy quyết tâm vận động bà con phát triển kinh tế. “Nhận thấy cây hồi đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, ngô, năm 2010, tôi vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi giống cây trồng. Theo đó đã có 10 hộ đầu tiên ở xóm Phiêng Pẻn tham gia trồng cây hồi. Đến nay 99% hộ dân xóm Phiêng Pẻn đã trồng hồi, hộ ít nhất cũng có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm”, ông Quẩy chia sẻ.

Nghe theo Tẩn Dấu Quẩy, người dân trong xóm Phiêng Pẻn đã có cách làm ăn mới, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, xóm chỉ còn 35% hộ nghèo, trên 80% hộ dân có nhà kiên cố, 100% hộ có xe máy, tình hình an ninh trật tự trong xóm luôn đảm bảo, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi.

Cũng như ông Tẩn Dấu Quẩy, ông Phùn Hợp Sềnh, bản Nà Lý, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh cũng là người uy tín đi đầu trong xóa đói giảm nghèo. Hưởng ứng phong trào “sản xuất giỏi”, ông cùng với gia đình đăng ký với Công ty Phú Lâm trồng cây nguyên liệu làm thức ăn cho bò với diện tích 01 ha trồng ngô sinh khối và 01 ha trồng cỏ voi. Đến nay, gia đình ông là một trong những hộ dân trồng nhiều cỏ voi nhất xã Quảng Đức, với năng suất đạt 40 tấn/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu về 40 triệu đồng/vụ.

Từ thành công của bản thân, ông vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất, chất lượng cao, giúp người dân trong xã có thu nhập cao hơn, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. “Khi đời sống của người dân được nâng lên thì các tệ nạn xã hội, phong tục tập quán lạc hậu cũng dần được đẩy lùi”. Ông Sềnh chia sẻ.

Không chỉ vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, ông Phùn Hợp Sềnh còn cùng với các già làng, trưởng bản tổ chức hướng dẫn thế hệ trẻ học tập, giữ gìn phong tục tập quán của người Dao. Đồng thời, vận động nhân dân loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu trong các nghi thức cúng lễ.

Sinh ra và lớn lên tại làng Ring Răng (xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Linh) nên già làng Đinh Toăi hiểu rõ hơn ai hết những phong tục, tập quán cũng như lối sống và cách suy nghĩ của dân làng. Mặc dù năm nay chỉ mới 40 tuổi nhưng ông đã có những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống mới. Già làng Đinh Toăi chia sẻ: “Muốn vận động bà con thì trước hết bản thân mình và gia đình phải tích cực chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương để mọi người cùng làm theo”.

Những năm trước đây, đời sống của dân làng Ring Răng còn gặp nhiều khó khăn, nhà cửa ẩm thấp, lại gần với khu chuồng trại chăn nuôi rất mất vệ sinh. Nhận thấy điều này, ông Đinh Toăi đã vận động 10 thanh niên trong làng tham gia lớp học thợ xây do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức để giúp bà con trong làng xây dựng nhà cửa, làm chuồng trại... Anh Đinh An-một thành viên trong nhóm thợ xây của làng-nói: “Được sự vận động của già làng Đinh Toăi, tôi và thanh niên trong làng đã tham gia lớp thợ xây. Sau khi hoàn thành khóa học, chúng tôi đã giúp bà con xây dựng nhà ở, di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra xa gầm nhà sàn. Chính nghề này cũng đã giúp chúng tôi có thêm thu nhập”. Bên cạnh đó, già làng Đinh Toăi còn vận động dân làng tham gia lớp trồng lúa năng suất cao để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, xóa bỏ lối canh tác lạc hậu, linh động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Mỗi bản làng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng hết sức quan trọng. Không chỉ đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân mà còn là lực lượng nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là cầu nối vững chắc của ý Đảng - lòng dân.

Mai Ngọc

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất